Sinh viên ngành báo mạng

Khi CNTT và truyền thông trên thế giới phát triển "cực thịnh" như hiện nay thì tại Việt Nam, học để làm báo mạng đã trở thành một hấp lực lớn với không chỉ sinh viên (SV) báo chí. Để tìm ra một lớp đại học nào có 100% online, duyệt các trang báo điện tử và thông tin trên mạng hàng ngày thì đó là lớp của sinh viên học báo điện tử.

Đến nay chưa có lớp SV chuyên ngành báo điện tử nào ra trường vì Học viện Báo chí & Tuyên truyền là nơi duy nhất có phân ngành này và hiện mới đón lớp SV thứ ba.

Off-line học báo online cùng sinh viên báo chí

Lớp Báo viết 23A chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 6 người được phân công "tiếp cận" các toàn soạn báo điện tử. Tôi vào nhóm sinh viên đến tìm hiểu thông tin, học tập tại Báo Ảnh Việt Nam điện tử (của Thông tấn xã).

SV Học viện BC-TT tìm hiểu quy trình làm việc của báo điện tử


Phó tổng biên tập Báo Ảnh Việt Nam Phạm Tiến Dũng tiếp 6 SV, thêm tôi là 7 người. Đầu tiên là cuộc phỏng vấn của SV với Phó Tổng BT. SV chủ động đưa ra câu hỏi cả dễ và... khó: Báo Ảnh điện tử hoạt động thế nào? Khối lượng công việc và số lượng nhân sự ra sao? Điều gì thể hiện đặc trưng của trang Báo Ảnh điện tử so với các trang báo điện tử khác? Mức độ cập nhật tin bài? Báo Ảnh trên mạng mang tính thời sự không cao, còn ít người biết tới, vậy nó mang tính chất báo điện từ hay chỉ là... website?...

Khác biệt lớn nhất của Báo Ảnh Việt Nam (VNP Online) điện tử với các báo điện tử khác ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại (http://vietnampictorial.vnanet.vn) là được truyền tải trên 6 ngôn ngữ: Việt, Nga, Hoa, Anh, Pháp và Tây Ban Nha. VNP Online lưu trữ hàng trăm ngàn bức ảnh, thuộc nhiều chủ đề và được bán trực tiếp trên mạng. Bán cho báo giấy khoảng 50.000 đồng/ ảnh, bán ra nước ngoài (bằng cách chuyển file ảnh quan mạng) có thể lên tới hàng trăm USD/ảnh.

TS. Nguyễn Thị Thoa (Phó chủ nhiệm Khoa PT-TH, phụ trách bộ môn Báo mạng điện tử, Học viện BC-TT):

"Năm 1992, thế giới có tờ báo điện tử đầu tiên là Chicago Tribune và từ đó báo điện tử có sự phát triển nhanh chóng. Năm 1997, Việt Nam có Internet cũng là khi Phân viện BC-TT (nay là Học viện) có chủ trương thành lập chuyên ngành Báo mạng điện tử và đến năm 2003, trường tuyển sinh khóa đầu tiên.

Chương trình học được biên soạn dựa trên những chươn trình đào tạo báo mạng của nước ngoài. Trong quá trình học, SV không chỉ được đào tạo về kỹ năng thực hiện tác phẩm báo chí mà còn được cung cấp kiến thức về kỹ thuật, tin học như thiết kế web, xử lý hình ảnh, âm thanh cho web. SV báo mạng luôn được các thầy cô trong trường nhận xét là năng động, nhanh nhẹn và sáng tạo.

Tương lai, bộ môn báo mạng điện tử (nay đang thuộc khoa PT-TH) sẽ trở thành khoa báo mạng điện tử khi dự án thành lập Khoa được phê duyệt".
Khoảng 70% bài viết và ảnh trên báo giấy VNP được đưa lên báo điện tử sau khi báo giấy phát hành một tháng một lần, lượng bài, ảnh tương đương chỉ ở phiên bản điện tử mới có. Mỗi ngôn ngữ nước ngoài có hai người phụ trách. Lượng người đọc VNP Online khoảng 150.000 lượt/ tháng - như vậy đây là số lượng bạn đọc chưa cao so với nhiều tờ báo điện tử khác mới mức độ cập nhật thông tin nóng bỏng, thời sự hơn, lượng tin, bài phong phú hơn... Đó là những thông tin cơ bản về VNP điện tử mà ông Phó Tổng biên tập giới thiệu với nhóm SV báo chí.

Còn rất nhiều câu hỏi khác mà nhóm SV đã chủ động tìm hiểu khi cảm nhận được không khí thân thiện, năng động trong môi trường báo điện tử. Trong một buổi sáng, SV đã kịp nắm được những thao tác sản xuất tin bài, xử lý hình ảnh lên mạng, kể cả việc biết được thông tin tuyển dụng, chế độ lương bổng, thưởng phạt của cơ quan báo chí.

Kết thúc một buổi, Nguyễn Thanh Hưng (Bá 23A) bảo, "Tôi nhận thấy làm báo mạng thì kiến thức tin học là điều không thể thiếu...". SV Nguyễn Thị Liên lại nhắc đến yếu tố "ngoại ngữ trình độ siêu khi làm việc cho báo mạng". SV Nguyễn Quỳnh Châu nói: "Cơ cấu tổ chức của tòa soạn, cách thức hoạt động của một tờ báo mạng thế nào là điều chúng tôi cần nắm rõ...". Còn SV Dương Thanh Hà kết luận: "Báo mạng quả thực là một môi trường hấp dẫn đối với SV!".

Sau những buổi tham quan, tìm hiểu và học tập như thế, sinh viên phải viết bài thu hoạch. Dù là SV chuyên ngành báo mạng điện tử, báo viết hoặc phát thanh, truyền hình thì đều được học môn báo mạng điện tử, và SV luôn chọn nơi đến là những tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam hiện nay như VietNamNet, VnExpress, Tuổi Trẻ, Thanh Niên Online...

SV báo mạng - "luồng sinh khí mới"

Nguyễn Nhung (Báo mạng điện tử 23) tự tin: "Lớp báo mạng điện tử có tiếng trong trường, SV thường xuyên có mặt, khẳng định bản thân và thực sự đã thổi một luồng sinh khí mới đối với bất cứ hoạt động nào của trường, của khoa. Lớp báo mạng có số SV ít nhất nhưng sự năng động thì không thua kém gì các lớp báo viết, phát thanh, truyền hình. Như lớp tôi, 22 SV - một con số lý tưởng cho một lớp học - có nhiều bạn đã là cộng tác viên thường xuyên của các tờ báo. Trình độ ngoại ngữ của SV trong lớp khá đồng đều khi thi đầu vào là khối D, điểm chuẩn 20,5..."

Chính Nhung cũng từng có bài đăng trên nhiều tờ báo, trong đó có báo điện tử. Cô từng là phóng viên chiến dịch của Thành Đoàn Hà Nội từ năm thứ nhất. Hè năm 2005, qua không gian mạng, Nhung đã tranh thủ dịp du học sinh Việt Nam về nước nghỉ hè, tập hợp lại để thành lập nhóm tình nguyện. Và nhóm du học sinh tình nguyện do Nhung lập nên đã tiến hành hoạt động tại Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Hà Cầu (Hà Tây). Đối với Nhung cũng như với SV báo mạng thì Internet luôn là phương tiện quan trọng mà họ cần nắm chắc trong tay.

Trong các khóa Báo chí tại Việt Nam hiện nay, hầu hết SV các lớp đều có môn học báo điện tử (hay báo mạng điện tử, báo trực tuyến - tên gọi chưa có sự thống nhất).

Mới chỉ Học viện BC&TT có chuyên ngành báo điện tử. Vì đào tạo theo chỉ tiêu nên số SV tuyển đầu vào chỉ ở mức trên 20 SV mỗi lớp và chỉ tuyển khối D. Tuy nhiên, số lượng môn học, giáo trình cho ngành học này chưa phong phú, SV chủ yếu nắm kiến thức cơ bản.

Tại khoa Báo chí, ĐH KHXH&VN thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, môn báo trực tuyến (với 2-3 đơn vị học trình) được đưa vào giảng dạy từ năm 2002 ở tất cả các lớp.
Chọn báo mạng, với Nhung, đây là loại hình báo chí tuy còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng đang có những bước phát triển chóng mặt trên toàn cầu. Và Nhung khẳng định: "Đã theo báo mạng điện tử thì tôi không ngại nỗ lực học tập, phấn đấu. Có vậy thì mới đảm bảo học gì làm đó và trở thành một nhà báo có tài tại một tờ báo điện tử".

Ở Học viện Báo chí & Tuyên truyền, những môn học đi sâu vào báo mạng còn kém phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu học tập của SV - đó là cảm nhận chung của những SV mà tôi đã hỏi. Nhập môn báo mạng điện tử, thiết kế website, video, tiếng động cho trang web, tin và tường thuật báo mạng... là một vài trong số không nhiều môn học mang tính chuyên ngành mà SV báo mạng điện tử năm thứ ba đã học qua. Thế nên SV năng động không còn cách nào khác là tự học thêm và lao vào thực tế.

Cũng như trường hợp của Nhung ở trên, Nguyễn Diệp Chi cũng nói, "là con gái học báo mạng mà loại hình báo chí này luôn đòi hỏi tính nhanh nhạy, khả năng tác chiến bất cứ lúc nào, như thế chắc chắn sẽ vất cả". Nhưng "không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ mình không cố gắng hết sức", Diệp Chi bày tỏ và khẳng định: "sẽ theo báo mạng đến cùng".

Diệp Chi chính là lớp trưởng của lớp báo mạng năm thứ 2, từng là thủ khoa của Khoa Phát thanh - Truyền hình. Chi đã từng tham gia viết báo khi chưa vào học tại Học viện. Bạn nói: "Trường có website, nhưng lại chưa có một trang thông tin để SV báo mạng thực tập, cập nhật kiến thức - đây vẫn là lời hẹn từ các thầy cô. Vậy là SV phải tự tạo môi trường thực tế cho mình". Hiện Diệp Chi đang thực hiện trang web Báo chí và trẻ em (sắp ra mắt), phụ trách hai mục Đọc - nghe - xem và Phóng sự. Đó là cách để Chi tự tiếp cận với thực tế làm báo mạng.

Sinh viên báo mạng thì cũng đồng thời là "công dân mạng" thứ thiệt bởi việc sử dụng Internet với họ là một nhiệm vụ, một nhu cầu và cũng là sở thích. Việc online với SV báo mạng có khác, họ lên mạng nhằm vào việc tìm thông tin, để so sánh giữa báo trực tuyến Việt Nam và thế giới, tìm ra những điểm đặc trưng, khác biệt của báo mạng so với các loại hình báo chí khác - điều mà ở trường chưa dạy SV hết được... Mỗi SV đều chọn cho mình một vài tờ báo mạng chất lượng cao để "làm nơi học tập và là món ăn tinh thần hàng ngày" trong số "muôn hồng, ngàn tía" các trang báo, trang tin điện tử đang đua nhau mọc lên...

Hỏi SV báo mạng điện tử chọn cách chuyển động thế nào để song hành cùng nhịp phát triển của báo online? Diệp chi bảo: "Thiết lập và không ngừng nâng cao kỹ năng khai thác, thể hiện và chọn lọc thông tin cùng khả năng vi tính tốt, trình độ ngoại ngữ cao là điều cần được rèn trong 4 năm học báo". Nguyên Nhung nói: "Tôi thích tinh thần làm việc theo nhóm của báo điện tử. Bạn thấy đấy, trong một tờ báo online, nếu tích hợp đủ các phương tiện truyền thông với đủ hình ảnh, âm thanh, video.. - được gọi là multimedia - thì kỹ năng làm việc theo nhóm và cùng phát triển là điều không thể thiếu...".

Bùi Dũng 

Theo VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video