Các sông băng khắp thế giới đang tan chảy, teo rút và thậm chí biến mất hoàn toàn. Nhưng ở vùng núi Karakoram của châu Á, nhà của K2 - đỉnh núi cao thứ hai trên Trái đất, các sông băng hiện không tan chảy, và thậm chí một vài trong số chúng đang phình rộng.
>>> 20% sông băng Canada biến mất trong thế kỷ này
>>> Ngắm sông băng ngoạn mục nhất thế giới
Hiện tại, các nhà khoa học vừa khám phá ra nguyên nhân cho tình trạng ổn định sông băng bí ẩn trên. Mặc dù lượng nước ngưng tụ đang tăng lên khắp dãy Himalaya, nhưng hầu hết lượng ẩm này giảm xuống vào mùa hè, ngoại trừ Karakoram - nơi tuyết luôn thống trị cảnh vật.
Vùng Karakoram bao gồm một chuỗi các đỉnh núi tuyết phủ dọc biên giới Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Nó là một phần của dãy núi Himalaya đồ sộ hơn, vốn đang mất dần các sông băng khi khí hậu ấm lên.
Tuy nhiên, các quan sát trong vùng Karakoram hé lộ, các sông bằng ở đây luôn ổn định, và lượng tuyết rơi đang tăng lên, thay vì giảm xuống như xung quanh. Hiện tượng lạ đã làm dấy lên các tranh cãi trong giới chuyên gia.
Sarah Kapnick, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về khí quyển và đại dương tại Đại học Princeton (Mỹ), và các đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu về lượng nước ngưng tụ và nhiệt độ gần đây từ Bộ Khí tượng học Pakistan và các nguồn khác, bao gồm cả dữ liệu vệ tinh. Họ đã kết hợp những thông tin này với các mô hình khí hậu theo dõi sự thay đổi ở 3 khu vực thuộc dãy Himalaya trong giai đoạn 1861 - 2100: vùng Karakoram, khu vực miền trung Himalaya và vùng đông nam Himalaya (bao gồm cả cao nguyên Tây Tạng).
Nhóm nghiên cứu phát hiện, một một mô hình mới mô phỏng khí hậu tới phạm vi 2.500km2 đã có thể kết hợp các chu kỳ mưa và nhiệt độ quan sát được ở Karakoram. Một mô hình, vốn được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) sử dụng để mô phỏng điều sẽ xảy ra nếu thế giới tiếp tục phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính với tốc độ như hiện nay, đã không thể ghi lại các chu kỳ theo mùa đặc trưng tại Karakoram.
Điều này được giải thích là do, IPCC và các mô hình khí hậu khác có độ phân giải thấp hơn, chỉ ghi lại được các biến đổi khí hậu ở phạm vi 44.100km2. Độ phân giải kém hơn đã "là nhẵn" các khác biệt về độ cao, vốn chấp nhận được đối với khu vực trung và đông nam Himalaya. Dẫu vậy, vùng Karakoram đa dạng về độ cao hơn so với 2 vùng kia, nên kết quả là IPCC và các mô hình khác đã đánh giá quá cao mức độ ấm nóng trong vùng.
Vì các mô hình trước đây đánh giá quá cao nhiệt độ của Karakoram, nên họ cũng đánh giá chưa đúng lượng mưa tuyết trong vùng. Đây là căn nguyên dẫn đến hiện tượng gia tăng kích thước sông băng "bất thường và bí ẩn" ở Karakoram, theo báo cáo nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Geoscience.
Khi Trái đất ấm lên, lượng nước ngưng tụ tăng lên khắp dãy Himalaya. Do các điều kiện địa lý, Karakoram nhận phần lớn lượng ẩm tăng thêm này vào mùa đông, khi các cơn gió tây mang tuyết tới vùng núi. Ngược lại, các khu vực trung và đông nam Himalaya nhận phần lớn lượng ẩm của chúng từ những đợt gió mùa vào mùa hè.
Ở Karakoram, mưa tuyết đang giảm xuống vào mùa hè, nhưng tăng lên vào mùa đông. Điều này được cho là giúp các sông băng glacier không bị teo rút. Nhóm của bà Kapnick cũng khám phá thấy rằng, tuyết ở Karakoram có thể duy trì tới ít nhất năm 2100.
Theo các chuyên gia, việc hiểu rõ mưa tuyết ở Karakoram và phần còn lại trong dãy Himalaya rất quan trọng cho nỗ lực vạch ra các biến đổi trong vùng do biến đổi khí hậu. Đặc biệt, khám phá còn có tác dụng giúp dự đoán trữ lượng nước và tình hình lũ lụt trong vùng. Chẳng hạn như, do tuyết đóng vai trò như nguồn dự trữ nước cho người dân vùng Himalaya, nên nếu băng và tuyết tan quá nhanh, chúng có thể gây lũ lụt.
Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.