Con sóng cao tới 19m và xảy ra sau khi một khối khí lạnh rất mạnh đi qua khu vực.
Một con sóng cao 19m ở Đại Tây Dương được ghi nhận là con sóng biển cao nhất thế giới từng được đo bằng phao, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).
Một con sóng cao ở Đại Tây Dương, ngoài khơi Cape Town.
Một phao tự động đã đo con sóng này ở khu vực hẻo lánh giữa Đảo Anh và Iceland vào ngày 4/2/2013 lúc 6h00 GMT, WMO công bố hôm qua.
Cao hơn tòa nhà 6 tầng, con sóng khổng lồ xảy ra sau khi một khối khí lạnh rất mạnh đi qua khu vực với sức gió lên tới 81km/h.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi đo được một con sóng 19m. Đó là một kỷ lục ấn tượng", trợ lý của Tổng thư ký WMO, Wenjian Zhang, cho biết trong báo cáo.
Con sóng này được phân loại là "con sóng cao nhất từng được đo bằng phao", phá kỉ lục cao 18,275 mét hồi tháng 12/2007 ở Bắc Đại Tây Dương.
Bắc Đại Tây Dương thường là nơi có những con sóng khổng lồ, vì hệ thống gió nơi đây thường tạo ra những cơn bão nhiệt đới dữ dội, WMO cho biết.
Bắc Đại Tây Dương thường là nơi có những con sóng khổng lồ. (Ảnh minh họa).
Con sóng mới vừa được bổ sung vào danh sách "Lưu trữ thời tiết và khí hậu cực đoan thế giới" của WMO. Bên cạnh "hạng mục" sóng cao đo bằng phao, còn có hạng mục sóng cao đo bằng tàu. Kỉ lục này thuộc về một con sóng 29,05m đo bởi một tàu quan sát ở Bắc Đại Tây Dương vào tháng 2.2000.
Trong bản báo cáo vừa mới công bố, Tiến sĩ Zhang nhấn mạnh mặc dù đã có những tiến bộ trong công nghệ vệ tinh, theo dõi bằng phao nổi và tàu vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu sự tương tác giữa thời tiết và đại dương.
Phao tự động là thiết bị chuyển tiếp dữ liệu sóng, dòng nước và nhiệt độ cho các nhà khoa học, các thuyền viên và các nhà nghiên cứu khí hậu.