12 năm sau khi gián đoạn mảng kinh doanh robot, Sony sẽ tái xuất vào mùa xuân tới bằng một chú robot dành cho gia đình, chú robot có hình dáng của một chú chó.
Báo Nikkei cho biết công ty hiện đang thành lập một đội ngũ phát triển robot, những người trong nhóm này trước đây từng liên quan đến Aibo, một robot chó cưng được truyền thông chú ý từ nhiều năm trước.
Sony đang nổi lên sau giai đoạn tái cơ cấu lâu dài, nhưng vẫn chưa tạo được các sản phẩm có giá trị mới. Tuy nhiên, công ty hy vọng sẽ cạnh tranh với các đối thủ CNTT Mỹ, những hãng đã đi trước Sony trong trí tuệ nhân tạo, bằng cách tận dụng kiến thức chuyên môn về kỹ thuật cơ khí.
Cuộc tấn công đầu tiên của Sony sẽ là một con robot thú cưng, giống như một con chó thật, kiểm soát các thiết bị gia dụng bằng lệnh thoại. Nó sẽ tương tự như chiếc loa thông minh được trang bị kết nối AI và kết nối internet, có hình dáng của một con chó.
Sony dự định sẽ sản xuất một hệ điều hành độc quyền trên nền tảng mở, cho phép các nhà phát triển bên ngoài bổ sung các tính năng. Ngoài ra, các công nghệ sẽ cho phép robot bắt chước những hành động của một chú chó.
Robot trong nhà là một chiến lược của Sony.
Robot trong nhà là một chiến lược của Sony. Chủ tịch kiêm CEO Kazuo Hirai của Sony dự đoán vào tháng 6/2014 rằng công ty có thể phát triển robot dùng trong công nghiệp, như trong các nhà máy tự động. Tuy nhiên, kể từ đó, thị trường robot công nghiệp có vẻ quá cao và buộc Sony phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn đã có thị phần cao. Sony cảm thấy họ có cơ hội thành công tốt hơn ở mảng robot dùng trong nhà.
Nhật Bản là thị trường hàng đầu thế giới về robot công nghiệp, dẫn đầu là hai công ty Yaskawa Electric và Fanuc với robot lắp ráp và hàn. Nhiều trường đại học, từ các tổ chức quốc gia hàng đầu như Đại học Tokyo, Viện Công nghệ Tokyo đến các tổ chức tư nhân cỡ vừa, đều có các khoa kỹ thuật cơ khí chuyên cung cấp nhân sự cho ngành công nghiệp robot của Nhật.
Từ những năm 1990 đến 2000, các nhà sản xuất Nhật Bản đã đua nhau phát triển robot, nhắm tới hỗ trợ con người ở nhà. Một trong những câu chuyện thành công đáng chú ý là Asimo, robot người mà Honda Motor đã ra vào năm 2000. Asimo có thể đi lại mượt mà, nhảy trên hai chân, bắt tay, dùng được trong hộ gia đình và trong nhà máy hạt nhân.
Sony ra Aibo năm 1999. Toyota Motor cũng ra robot hai chân năm 2004 có thể chơi kèn trompet. Những thông tin này rộ lên và mang đến hy vọng cao rằng robot sẽ sớm hòa nhập vào xã hội. Nhưng phát triển robot ở Nhật Bản sớm đi xuống, một phần vì chưa áp dụng trí tuệ nhân tạo mạnh, khiến khả năng của robot bị hạn chế. Tất cả khiến quá trình thương mại hóa robot gặp cản trở.
Hoạt động phát triển robot của Sony còn bị ảnh hưởng sau khi vụ nổ bong bóng dot-com diễn ra vào năm 2000. Các nhà sản xuất Nhật sau đó cũng bị tổn thương vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và trận động đất, sóng thần năm 2011 ở Nhật.
Năm 2016, Howard Stringer, CEO Sony lúc đó, đã ngừng chương trình Aibo. Gần 200 thành viên của chương trình đã bị dư thừa và chuyển sang các bộ phận khác, bao gồm mảng game PlayStation và camera kỹ thuật số. Satoshi Amagai, người đứng đầu bộ phận robot Aibo, rời khỏi Sony và khởi nghiệp Mofiria, một startup phát triển công nghệ chứng thực sinh trắc học dùng nhận diện các mạch máu ở ngón tay.
Sony lúc đó cũng có một nhóm phát triển robot giống xe hơi một chỗ ngồi, nhưng công ty đã bán cả nhóm đó và chuyển giao sở hữu trí tuệ cho Toyota.
Công nghệ AI là một cú hích cho ngành công nghiệp robot.
Dù ngành phát triển robot của Nhật vẫn chững lại, song sự phát triển của AI lại đang trỗi dậy. Công nghệ AI là một cú hích cho ngành công nghiệp robot. Các đại gia công nghệ Mỹ như Appel và Google đang đầu tư rất mạnh và tuyển dụng nhân tài trên khắp thế giới để phát triển AI. Cả hai công ty hiện đang giới thiệu loa thông minh, sử dụng công nghệ AI để tự động ra quyết định. Công nghệ chạy trong các sản phẩm loa này được cho là sẽ tích hợp vào robot.
Các nhà sản xuất Nhật Bản, dù đang chậm chân trong AI, lại đang một lần nữa tập trung vào ngành công nghiệp robot, xem đó là chiến lược chiến thắng nếu kết hợp với kỹ năng nổi trội về công nghiệp cơ khí của họ.
Gần đây, Toyota đã giới thiệu một nguyên mẫu robot chăm sóc y tá mà hãng đang cùng với hãng viễn thông Nippon Telegraph and Telephone phát triển ở Ceatec Japan. Đối thủ của NTT là SoftBank Group hồi tháng Sáu đã tuyên bố đang mua lại hai startup robot của Alphabet, công ty mẹ của Google.
Trong khi đó, Sony đang tập hợp các kỹ sư từng làm dự án Aibo, bao gồm cả chuyên gia AI Masashiro Fujita. Bằng cách kết hợp sức mạnh của mình trong kỹ thuật cơ khí và AI, Sony đã đi một chặng đường dài kể từ thời Aibo, công ty hy vọng sẽ mở rộng việc kinh doanh robot, chứ không chỉ dừng ở việc chỉ điều khiển điện tử gia dụng.
Sony đã phát triển AI của riêng mình, nhưng thiếu số lượng lớn dữ liệu cần thiết để khả thi so với Google và Amazon.com, hai hãng Mỹ có các kho lưu trữ dữ liệu khổng lồ được thu thập thông qua các nền tảng trực tuyến của họ. Trong một cuộc họp cấp cao vào tháng Tám, phó chủ tịch điều hành và Giám đốc Tài chính Kenichiro Yoshida cho biết công ty "không còn có thể cạnh tranh trong cùng lĩnh vực với họ nữa", khi đề cập đến hai gã khổng lồ của Mỹ.
Atsuo Takanishi, giáo sư tại Đại học Waseda, nhận định: "Các nhà sản xuất Nhật Bản có thể giành lại sức mạnh bằng nỗ lực phát triển robot, sử dụng công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây và AI".