Sự bất thường của siêu bão Ian đổ bộ vào Mỹ

Ian là một trong 5 cơn bão tồi tệ nhất trong lịch sử được ghi nhận tại Mỹ. Điều đáng buồn là nó không phải là một hiện tượng thời tiết ngẫu nhiên.


Bão Ian là một trong 5 cơn bão mạnh nhất trong lịch sử được ghi nhận tấn công Mỹ.

Biến đổi khí hậu từng có vẻ là một mối đe dọa xa vời. Nhưng giờ đây thì không. Con người đã thấy rõ những “bộ mặt” của biến đổi khí hậu. Chúng ta thấy nó trong những trận cuồng phong, lũ lụt, sóng nhiệt, cháy rừng và hạn hán. Bão Ian là ví dụ mới nhất.

Khi đổ bộ vào đất liền, bão Ian là một trong 5 cơn bão mạnh nhất trong lịch sử được ghi nhận tấn công Mỹ. Với sức gió 240km/h khi đổ bộ, bão Ian cùng với bão Charley năm 2004 là 2 cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào bờ biển phía tây của bang Florida.

Nhìn qua thì bão Ian có vẻ như là một sự kiện ngẫu nhiên. Nhưng không phải vậy - nó là một phần của một mô hình thời tiết bao gồm các trận cuồng phong và siêu bão mạnh hơn khi các đại dương liên tục ghi nhận độ ấm kỷ lục, theo Guardian.


Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/9 cảnh báo bão Ian có thể là “cơn bão chết chóc nhất trong lịch sử Florida”. (Ảnh: NOAA).

Thảm họa do con người tạo ra

Nhiều cơn bão trong 5 năm qua - Harvey, Maria, Florence, Michael, Ida và Ian - không phải là những thảm họa tự nhiên, mà đúng hơn là những thảm họa do con người tạo ra.

Cường độ của những cơn bão này được khuếch đại bởi việc con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch và hiệu ứng nhà kính ngày càng gia tăng, khiến cho Trái Đất ngày càng nóng lên.

Mùa bão tại Đại Tây Dương năm nay mặc dù khởi đầu có vẻ nhẹ nhàng, nhưng đã dần mạnh lên do nước biển ấm bất thường.

Bão Fiona tấn công Puerto Rico là cơn bão mạnh cấp 4, khiến hàng trăm nghìn người đến giờ vẫn chưa có điện trở lại.

Cơn bão này sau đó đổ bộ vào Canada và trở thành cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay của nước này. Sau đó là Ian, cơn bão hình thành do nhiệt độ ấm lên của những tầng nước sâu dưới Vịnh Mexico.

Sự ấm lên toàn cầu do con người gây ra không chỉ làm nóng bề mặt đại dương. Hơi ấm đang khuếch tán xuống những tầng sâu của đại dương, khiến nhiệt độ đại dương đạt kỉ lục từ năm này qua năm khác.

Điều đó có nghĩa là các cơn bão ít có khả năng khuấy động các vùng nước lạnh hơn từ sâu dưới đại dương, trong khi đây là một cơ chế tự nhiên làm giảm cường độ của bão.

Hệ quả là nhiều cơn bão ngày nay chúng ta thấy có thể nhanh chóng gia tăng cường độ và bùng phát thành bão lớn chỉ trong vài giờ.


Nhà cửa và đường phố thiệt hại sau khi bão Ian quét qua Punta Gorda, Florida, ngày 29/9. (Ảnh: Reuters).

Đại dương ấm lên

Các nhà khoa học của chính phủ từng thường xuyên nói rằng chúng ta không thể liên kết các cơn bão riêng lẻ với biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học khí hậu cũng từng tin rằng điều đó là đúng. Nhưng giờ thì không.

Nhiều công cụ hữu ích đã được phát triển để xác định mức độ ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Đại dương ấm hơn tạo điều kiện cho các cơn bão mạnh hơn. Tốc độ gió của các cơn bão lớn tăng trung bình khoảng 30km/giờ (tăng 13%) cho mỗi một độ C bề mặt đại dương ấm lên. Sự gia tăng tốc độ gió này làm tăng khoảng 44% khả năng gây thiệt hại của những cơn bão.

Bên cạnh đó, theo CNN, cũng có bằng chứng cho thấy sự ấm toàn cầu lên do con người gây ra đang làm tăng quy mô của các cơn bão.

Lượng ẩm bốc hơi từ đại dương vào khí quyển tăng khoảng 7% đối với mỗi một độ C của sự ấm lên bề mặt đại dương, đồng nghĩa với 7% độ ẩm tăng thêm được chuyển hóa thành mưa lũ. Nhưng đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Những cơn bão mạnh hơn còn có thể cuốn theo nhiều độ ẩm hơn.


Một đoạn đường trên đảo Sanibel, bang Florida bị hư hại do bão Ian. (Ảnh: AP).

Không thể tránh khỏi

Nếu nhân loại tiếp tục làm hành tinh ấm lên, làm các tảng băng ở Greenland và phía tây Nam Cực tan nhanh, chúng ta sẽ phải đo mực nước biển dâng bằng đơn vị yard chứ không chỉ là feet nữa.

Điều quan trọng là phải tăng khả năng phục hồi và thích ứng với những thay đổi không thể tránh khỏi.

Tất cả biện pháp phòng ngừa cần được thực hiện để có thể cứu các bờ biển khỏi hậu quả tàn khốc của nước biển dâng cùng với các cơn bão mạnh hơn, gây nhiều thiệt hại hơn.

Tuy nhiên, sẽ không có sự thích ứng nào có thể bảo vệ Florida, hay bất cứ nơi nào khác trên thế giới, khỏi những hậu quả tàn khốc từ sự ấm lên liên tục của hành tinh chúng ta.

Cập nhật: 03/10/2022 Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video