Các nhà khoa học phát hiện nhiều loại vi khuẩn sống trong lớp đất ở sa mạc Atacama, nơi khô cằn nhất trên thế giới.
Phát hiện sự sống có ở nơi khô cằn nhất Trái Đất
Nằm ở phía bắc Chile, sa mạc Atacama có khung cảnh hoang sơ với các dãy núi và đụn muối khô khốc, được ví như sao Hỏa trên Trái Đất. Trên sa mạc Atacama, María Elena South là vùng khắc nghiệt và khô cằn đến mức các nhà khoa học từng tin rằng sự sống không thể tồn tại.
Các đụn cát trên sa mạc Atacama. (Ảnh: National Geographic)
Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu Chile đã phát hiện nhiều loại vi khuẩn sống trong lớp đất tại đây và một số vùng khác thuộc sa mạc này. "Chúng tôi thực sự bất ngờ khi tìm thấy vi khuẩn ở đây. Sau khám phá trên, chúng tôi không chắc liệu còn có giới hạn nào về độ ẩm cho sự sống trên Trái Đất hay không", tiến sĩ Armando Azua-Bustos tại Viện Khoa học Blue Marble Space nhận xét.
Để xác định thành phần vi khuẩn ở môi trường khắc nghiệt của sa mạc, các chuyên gia phân tích ADN lấy từ mẫu đất. Áp dụng kỹ thuật điện di gel gradient biến tính (DGGE) phân tích cộng đồng vi sinh vật, họ nhận thấy sự đa dạng của các vi khuẩn, trong đó chủ yếu là nhóm Actinobacteria, Proteobacteria, Firmicutes và Acido.
Theo Huffington Post, nhiệt độ và độ ẩm tương đối của mẫu đất và bầu khí quyển ở Atacama dược đo bằng cảm biến siêu nhỏ. Kết quả khẳng định sa mạc Atacama thực sự là nơi khô nhất Trái Đất. Độ ẩm tương đối của đất ở độ sâu một mét tại María Elena South chỉ ở mức 14%, tương đương độ ẩm thấp nhất NASA đo được ở lòng chảo Gale Crater trên hành tinh đỏ.