Khởi đầu từ tứ chi, lan xuống lưng và đuôi, rồi thậm chí có những con khỉ chuyển hẳn thành màu vàng trong khi tên chúng là khỉ đen. Lý do là gì?
Tại vùng Trung và Nam Mỹ là nơi cư ngụ của loài khỉ hú đen (black mantled howler monkey), với tên khoa học là Alouatta palliata. Đúng như tên gọi thì chỉ trừ vài sợi lông màu cam đằng sau ót, toàn thân chúng được bao phủ bởi một bộ lông đen tuyền.
Khỉ hú đen.
Tuy nhiên, riêng nhóm khỉ đen tại Costa Rica lại đang có một hiện tượng lạ xảy ra. Lông của chúng đang dần chuyển sang màu vàng và hiện tượng này chỉ mới xảy ra trong 5 năm trở lại đây thôi.
Hiện tại, các chuyên gia đã xác nhận ít nhất có 21 trường hợp khỉ hú đen mang bộ lông màu vàng tại các khu rừng thuộc Costa Rica. Đầu tiên, quá trình "vàng hóa" chỉ xảy ra ở tứ chi. Một vài trường hợp đuôi cũng chuyển thành màu vàng. Tuy nhiên qua thời gian, các mảng màu vàng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, lan cả xuống lưng. Và thậm chí, có ít nhất 2 cá thể khỉ đen nhưng lông toàn thân lại là vàng.
Nguyên nhân gây ra sự thay đổi này đã khiến giới khoa học phải đau đầu tìm hiểu trong nhiều năm. Đến nay họ đã có manh mối, chỉ tiếc là nó hé lộ một sự thật đáng buồn đằng sau đó, vì thủ phạm có thể là... thuốc trừ sâu của con người.
Cụ thể, các chuyên gia từ Trạm sinh học Donana của Tây Ban Nha đã tiến hành phân tích cấu trúc lông của một số cá thể khỉ đen hóa vàng, họ nhận thấy có sự sai khác biệt về nồng độ melanin được sản xuất ra.
Lông khỉ hú đen dần chuyển sang màu vàng.
Melanin - hay hắc tố - là các sắc tố quyết định màu da và lông tóc của chúng ta. Tùy vào nồng độ và cấu tạo hình thành của melanin, mà màu lông sẽ có những điểm khác biệt. Với loài khỉ này, melanin vì lý do nào đó đã chuyển thành pheomelanin, khiến lông của chúng chuyển thành màu vàng, đỏ hoặc cam chứ không còn là màu đen.
"Quan sát cho thấy những bất thường trong việc sản sinh sắc tố, và đây là điều chưa từng được chứng kiến ở loài khỉ này" - trích lời Ismael Galván, tác giả nghiên cứu.
"Chúng tôi cũng chưa từng thấy hiện tượng này ở các loài linh trưởng khác bao giờ".
Đây là lần đầu tiên khoa học ghi nhận màu lông của một loài linh trưởng có thể thay đổi trong thời gian ngắn như vậy. Lý do đứng sau chưa thực sự rõ ràng, nhưng giả thuyết cho rằng đó là thuốc trừ sâu.
Tại sao lại nghi ngờ thuốc trừ sâu?
Bởi lẽ khi xét nghiệm phần lông màu vàng, các chuyên gia phát hiện ra bên trong chúng có chứa lưu huỳnh - nền tảng của vô số các loại thuốc trừ sâu đang được sử dụng trên thế giới.
Theo Galván, đây có thể là bằng chứng cho thấy lũ khỉ đen Costa Rica đang phải tiếp xúc với quá nhiều thuốc trừ sâu, và điều đó đã làm thay đổi sắc tố trên lông của chúng. Cấu trúc melanin bị thay đổi, và từ đó màu sắc cũng biến đổi theo.
Nghi ngờ của các chuyên gia trên thực tế là có cơ sở. Tại Costa Rica, người nông dân sử dụng thuốc trừ sâu gốc lưu huỳnh với số lượng lớn trong các vườn dứa, vườn chuối và trang trại sản xuất dầu cọ. Và hầu hết các sinh vật có "màu lạ" đều được tìm thấy xung quanh các trang trại này.
Costa Rica là nơi sử dụng nhiều thuốc trừ sâu nhất trên thế giới.
Hơn nữa, Costa Rica cũng là nơi sử dụng nhiều thuốc trừ sâu nhất trên thế giới, với khoảng 25kg thuốc trên mỗi hecta đất trồng.
Quay trở lại với loài khỉ hú đen, chúng thường xuyên ăn lá cây xung quanh trang trại, có nghĩa là loài vật này đã hấp thụ một hàm lượng thuốc trừ sâu rất lớn, và từ đó gây ảnh hưởng đến cấu trúc melanin của chúng.
Tuy nhiên theo Galván thì đây vẫn chưa phải kết luận cuối cùng. Chúng ta sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai để khẳng định nó. Chỉ là các nghiên cứu này cần được thực hiện nhanh chóng, vì dù việc biến đổi màu lông trông có vẻ vô hại, nhưng chúng khiến loài khỉ này khó lẩn trốn kẻ thù hơn. Trong khi, chúng vốn đang là loài vật trong danh sách nguy cấp của IUCN rồi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Mammalian Biology.