Sự thật về quá trình "luyện linh đan, hút máu" để trường sinh của người xưa

Với sự phát triển của khoa học, liệu có một ngày con người có thể bất tử hay “cải lão hoàn đồng”…

Bất tử hay "cải lão hoàn đồng" là khao khát của rất nhiều thế hệ kể từ khi xã hội loài người hình thành và phát triển. Tuy nhiên, cho tới nay, đó vẫn chỉ là một ước mơ, một nỗi ám ảnh chưa lời giải đáp.

Hãy cùng ngược dòng lịch sử hành trình tìm kiếm bí kíp “cải lão hoàn đồng” và tìm hiểu xem liệu rằng trong một ngày không xa, con người liệu có thể tìm ra phương pháp kỳ bí này.

Từ linh đan của người Trung Quốc cổ đại…

Từ xa xưa, người Trung Hoa cổ đã thể hiện niềm khao khát mãi mãi tươi trẻ thông qua thuật luyện đan của Đạo giáo.

Thời Chiến Quốc (476 - 221 TCN), một số người đã bắt đầu vận dụng kĩ thuật luyện kim vào việc luyện chế khoáng dược vật thành tiên đan - thứ thuốc được cho rằng có thể giúp con người trường sinh bất lão.

Tới thời nhà Hán (202 TCN - 220), những người này tiếp thu tư tưởng của Đạo giáo, trở thành các đạo sĩ chuyên luyện đan trường sinh. Ngụy Bá Dương được coi là người đi đầu trong thuật này và là tác giả cuốn “Chu Dịch tham đồng kế”.


Chân dung Thái Thượng Lão Quân - vị thần coi sóc việc luyện linh đan trên trời.


Hình ảnh Tôn Ngộ Không ăn trộm linh đan của Thái Thượng Lão Quân, sau đó thoát khỏi lò bát quái nổi tiếng trong văn học Trung Hoa.

Trải qua thời kì phong kiến, hình ảnh các hoàng đế Trung Hoa luyện linh đan để có thể “cải lão hoàn đồng”, thọ ngang trời đất trở nên vô cùng phổ biến trong nền văn hóa quốc gia này.

Tuy nhiên, có lẽ đây sẽ mãi là một mơ ước không tưởng, bởi các nhà khoa học phát hiện ra rằng: thành phần luyện đan từng được sử dụng có lưu huỳnh và diêm tiêu - những chất cực độc cho sức khỏe con người.

…hay “suối nguồn tươi trẻ” của người châu Âu…

Nếu như người Trung Quốc và phương Đông tin rằng, việc tu luyện và sử dụng “linh đan” có thể giúp họ giữ mãi tuổi thanh xuân thì ở phương Tây, người châu Âu cổ đã không ít lần đi tìm địa danh huyền thoại “suối nguồn tươi trẻ”.


Tranh vẽ "suối nguồn tươi trẻ"

Người được cho là tiên phong trong hành trình đi tìm “suối nguồn tươi trẻ” là Alexander Đại đế. Nhiều tài liệu lịch sử chép lại rằng, trước khi qua đời khoảng năm 323 TCN, vị hoàng đế tài năng này đã đi tìm một con sông có thể chữa lành sự tàn phá của tuổi tác.

Tới thế kỷ XII, một vị vua tên Prester John được cho là người cai trị trên mảnh đất có một dòng sông vàng và một dòng suối có khả năng “cải lão hoàn đồng”.


"Suối nguồn tươi trẻ" luôn là tâm điểm trong những tấm hải đồ cướp biển xưa kia

Nổi tiếng nhất với hành trình truy tìm “suối nguồn tươi trẻ” là nhà thám hiểm Tây Ban Nha - Juan Ponce de Leon (1474 - 1521). Ông được cho là người khai phá vùng đất trở thành tiểu bang Florida hiện nay trong chuyến hành trình tìm kiếm "suối nguồn tươi trẻ" khoảng năm 1513.


Chân dung Juan Ponce de Leon - nhà thám hiểm gắn liền tên tuổi với hành trình đi tìm "suối nguồn tươi trẻ"


Nhưng có lẽ tới nay, suối nguồn tươi trẻ vẫn mãi chỉ là dòng suối trong tâm tưởng mà thôi

Những câu chuyện về Juan Ponce de Leon đi tìm sự bất tử chỉ nổi lên sau khi ông qua đời, điều đó cũng đồng nghĩa với việc Juan Ponce de Leon chưa bao giờ tìm thấy cội nguồn này. Bởi vậy cho tới ngày nay, dòng suối giúp con người hồi sinh tuổi tác vẫn chỉ là một huyền thoại không căn cứ.

… thậm chí là bí kíp hút máu của ma cà rồng

Ma cà rồng là một nhân vật hư cấu tưởng tượng có sức mạnh vô song nhưng cực kì độc ác. Tất cả những đặc điểm đó đều xuất phát từ bản năng hút máu người.


Tranh vẽ ma cà rồng thời xưa

Trong những câu chuyện thời xưa, người ta đồn rằng máu người giúp ma cà rồng duy trì sức mạnh và tốc độ ghê gớm nhưng cũng khiến loài này trở nên độc ác, hung dữ. Nếu không có máu, ma cà rồng sẽ già đi nhanh chóng, sức khỏe suy yếu và cuối cùng là… chết.


Máu tươi là thứ duy nhất duy trì sự sống, vẻ đẹp và sức mạnh của ma cà rồng


Thiếu máu, ma cà rồng sẽ chết trong sự đau đớn và xấu xí

Tất nhiên, đây cũng chỉ là kết quả của trí tưởng tượng con người, một kết quả có thể phần nào xuất phát từ nỗi ám ảnh “cải lão hoàn đồng”.

…tới những bằng chứng khoa học hiện nay

Hiện nay, cuộc hành trình tìm kiếm bí kíp trường sinh bất lão, trẻ mãi không già vẫn đang tiếp tục. Mới đây nhất, giới chuyên gia đã phát hiện ra nhiều bằng chứng khoa học khẳng định tiềm năng của việc đảo ngược tuổi tác, chống lại sự lão hóa ở người.

Năm 2012, các nhà khoa học tại ĐH Stanford (Mỹ) đã thành công trong thí nghiệm “cải lão hoàn đồng” cho chuột. Cụ thể, bằng cách tiêm máu của những cá thể chuột “trẻ” cho chuột “già”, các chuyên gia đã thu được kết quả đáng ngạc nhiên.


Thí nghiệm trên chuột đã cho thấy tiềm năng của việc con người có thể "cải lão hoàn đồng"

Những đối tượng chuột được tiêm máu chuột “trẻ” phục hồi sức mạnh cơ xương trong thời gian rất ngắn, các mạch máu mới được sinh ra, chức năng khứu giác tốt lên cũng như trí nhớ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các nhà khoa học chưa tìm ra được cơ chế tác động của thần dược này.

Mới đây, một phần câu trả lời đã được tìm ra. Các nghiên cứu đã cô lập được yếu tố tăng trưởng có trong máu chuột “trẻ” giúp cải lão hoàn đồng có tên GDF 11.

Yếu tố này thực chất là một protein có tác dụng khôi phục hoạt động của tế bào gốc, giúp các tế bào, mạch máu mới được sản sinh ra như khi cơ thể còn trẻ. Đó là lý do mà khi protein này có mặt trong cơ thể chuột “già”, chúng phát huy khả năng “cải lão hoàn đồng” ngay trên đối tượng.

Điều đáng vui mừng nhất là protein này cũng có trong cơ thể người. Các nhà khoa học ở ĐH Harvard (Mỹ) hy vọng rằng, trong một tương lai gần, GDF 11 sẽ được vận dụng trong việc điều trị phục hồi cho các bệnh nhân Alzheimer và Parkinson, đưa loài người tiến gần tới ước mơ “cải lão hoàn đồng” trong nhiều thế hệ.

Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video