Sự thật về vật thể giống UFO trên bầu trời Ukraine

Viện Hàn lâm Khoa học Ukraine và nhà vật lý thiên văn Avi Loeb ở Đại học Harvard chỉ trích một báo cáo gần đây về UFO màu đen tuyền bay trên bầu trời Kiev.

Báo cáo gần đây về hiện tượng không trung không xác định (UAP) bay qua bầu trời Ukraine bị cơ quan khoa học quốc gia của nước này chính thức bác bỏ do "lỗi nghiêm trọng" trong phương pháp và kết quả nghiên cứu. Báo cáo công bố hồi giữa tháng 9 của nhóm nhà khoa học ở Đài quan sát Thiên văn học Kiev (MAO) mô tả "một số lượng lớn vật thể không rõ bản chất", bao gồm nhiều "bóng ma" dường như có màu đen hoàn toàn so với nền trời và bay qua khí quyển ở tốc độ 53.000km/h, nhanh gần gấp đôi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.


Mô phỏng vật thể bay không xác định trên bầu trời. (Ảnh: iStock)

Các tác giả báo cáo gọi những "bóng ma" này là UAP, hay còn gọi là vật thể bay không xác định (UFO) nhưng không tìm cách loại trừ một số cách lý giải hiển nhiên hơn như vệ tinh, drone hoặc pháo sử dụng trong chiến dịch hiện nay của Nga ở Ukraine, bắt đầu trước đó khoảng nửa năm. Hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine (NASU) kết thúc một cuộc nghiên cứu về báo cáo và bác bỏ kết luận do thiếu chuyên nghiệp và tính chính xác về mặt khoa học.

"Quá trình xử lý và diễn giải kết quả được tiến hành ở mức độ khoa học không phù hợp và với nhiều lỗi nghiêm trọng trong xác định khoảng cách đối với vật thể quan sát", hội đồng nhà khoa học của NASU cho biết. Họ nhấn mạnh báo cáo "không đáp ứng yêu cầu chuyên môn để xuất bản kết quả của nghiên cứu khoa học" và yêu cầu bỏ tên NASU khỏi tài liệu.

Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu MAO phân tích quan sát về những vật thể lạ bay nhanh được phát hiện bởi một trong hai đài quan sát gần Kiev. Họ suy đoán khoảng cách, kích thước và tốc độ của vật thể dựa trên lượng ánh sáng nền mà vật đó chặn lại, từ đó kết luận nhiều vật thể bí ẩn lớn ngang một chiếc máy bay nhưng di chuyển qua không trung ở tốc độ của tàu vũ trụ.

Tuy nhiên, do chỉ xem xét dữ liệu từ một kính viễn vọng, các nhà nghiên cứu dường như dự đoán không chính xác khoảng cách và vị trí của vật thể, qua đó nhầm lẫn về kích thước và tốc độ của chúng, theo Avi Loeb, nhà vật lý thiên văn ở Đại học Harvard. "Phương pháp đúng để suy đoán khoảng cách gọi là phép đạc tam giác (một kỹ thuật trong lượng giác và hình học), trong đó bạn quan sát cùng vật thể từ các hướng khác nhau. Nhưng họ không có dữ liệu đó", Loeb cho biết.

Nếu vật thể "bóng ma" lớn, di chuyển nhanh trên cao như nhóm nghiên cứu mô tả, mỗi vật thể sẽ tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ, tương tự tên lửa hoặc thiên thạch khi bay qua khí quyển. Trên thực tế, việc chúng có màu đen tuyền không chứng minh chúng là công nghệ ngoài hành tinh mà chỉ ra các nhà thiên văn học tính toán sai vị trí tương ứng của vật thể.

Loeb chỉ ra nhóm nghiên cứu Ukraine nhiều khả năng tính toán nhầm khoảng cách tới vật thể với độ chênh lệch gấp 10 lần. Nếu "bóng ma" ở gần camera gấp hàng chục lần so với kết luận của các nhà nghiên cứu, chúng sẽ trùng khớp về kích thước và tốc độ với vỏ đạn pháo vốn phổ biến ở vùng chiến sự như Ukraine. Di chuyển vật thể gần camera gấp 10 lần nữa, chúng sẽ giống những viên đạn.

NASU dường như cũng rút ra kết luận tương tự trong cuộc điều tra báo cáo, nhấn mạnh các nhà thiên văn học không chỉ mắc "lỗi nghiêm trọng" trong xác định khoảng cách vật thể, mà còn thất bại trong việc loại trừ cách giải thích hiển nhiên hơn. Nhóm tác giả báo cáo không đề cập tới hiện tượng tự nhiên hoặc vật thể nhân tạo có nguồn gốc Trái đất có thể nằm trong số những UAP được quan sát.

Cập nhật: 02/08/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video