Sự biến đổi kinh tế ở châu Á đang khiến cho sức khỏe của người dân khu vực này bị đe dọa, đó là lời cảnh báo mà giáo sư người Australia Daniel Tarantola đưa ra ngày 7/7.
Theo ông Tarantola, Giáo sư về nhân quyền và y tế thuộc trường Đại học New South Wales, mặc dầu đã đạt được những tiến bộ vượt bậc với 600 triệu người thoát khỏi đói nghèo ở châu Á kể từ năm 1990, tình hình sức khỏe ở châu lục này đang bị đe dọa và tương lai thậm chí còn bất trắc hơn.
"Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng. Người nghèo trở nên ốm yếu hơn trong những khu nhà ổ chuột đông đúc, ô nhiễm khi châu Á đô thị hóa nhanh chóng, trong khi các bệnh nhà giàu như tim mạch, ung thư... đang tấn công tầng lớp mới giàu", ông nói.
Một buổi khám bệnh cho trẻ em ở Balasore, Ấn Độ... |
"Các quyền cơ bản của con người về phát triển y tế và kinh tế gắn bó chặt chẽ với nhau, vì vậy chúng ta phải hiểu rõ mối quan hệ phức tạp này nếu chúng ta muốn cải thiện tình hình sức khỏe của người dân".
Châu Á đặc biệt dễ bị tác động vì các chi phí chăm sóc y tế ở châu lục này là cao nhất trong khi tỷ lệ chi tiêu của chính phủ cho y tế là thấp nhất.
Vào tháng 10 tới, hội thảo quốc tế đầu tiên về y tế, nhân quyền và phát triển sẽ được tổ chức ở Hà Nội, xem xét các nguy cơ chủ chốt đối với y tế công cộng của khu vực và trên toàn thế giới.