Tại sao có những đợt rét đậm dù thế giới ấm kỷ lục?

Các nhà khoa học cho biết, những đợt rét đậm vẫn sẽ xảy ra kể cả khi mùa đông nhìn chung ấm áp.

Sau một mùa hè nắng nóng kỷ lục, nhiều nơi ở Mỹ lại đang phải vật lộn với những cơn bão tuyết, băng giá và những cơn gió lạnh đe dọa tính mạng, CNN hôm 15/1 đưa tin. Tuy nhiên, đây không phải lý do để phủ nhận tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu.


Tuyết rơi dày đặc ngày 12/1 tại thành phố Sioux, Iowa. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

2023 là năm nóng nhất lịch sử với nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 14,98 độ C, cao hơn gần 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong dài hạn, cuộc khủng hoảng khí hậu do con người tạo ra dẫn đến một xu hướng đáng báo động, đó là tuyết dần biến mất ở Bắc bán cầu. Một số nhà khoa học thậm chí cho rằng biến đổi khí hậu có thể góp phần gây ra những đợt rét ở Mỹ, vì sự ấm lên ở Bắc Cực làm tăng nguy cơ không khí vùng cực lạnh giá tràn xuống phía nam.

Thời tiết chịu ảnh hưởng lớn từ các dòng tia - dòng không khí chuyển động nhanh ở trên cao trong khí quyển. Khi dòng tia dịch chuyển về phía nam, nó có thể đẩy không khí lạnh Bắc Cực xuống Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Khi dòng tia rút lên phía bắc, không khí ấm cũng tiến xa hơn về phía bắc. Tháng 1 năm ngoái, châu Âu đã ghi nhận một mùa đông ấm kỷ lục.

Một yếu tố khác cần xem xét là xoáy cực - vành đai gió mạnh nằm độ cao lớn trong tầng bình lưu - cao hơn dòng tia - xung quanh Bắc Cực. Xoáy cực giống như một con quay. Ở trạng thái bình thường, nó quay rất nhanh, "giam giữ" không khí lạnh ở vùng Bắc Cực. Nhưng nó có thể bị gián đoạn và chệch hướng, trở nên biến dạng, làm không khí lạnh tràn ra và ảnh hưởng đến đường đi của dòng tia. Điều này từng xảy ra vào năm 2021, khiến Texas trải qua đợt rét đậm với gần 250 người thiệt mạng và khiến phần lớn bang mất điện.

Mối liên hệ với biến đổi khí hậu cũng nằm ở đây. Một số nhà khoa học tin rằng sự gián đoạn xoáy cực và những thay đổi của dòng tia được thúc đẩy bởi sự ấm lên ở Bắc Cực. Khu vực này đang ấm lên nhanh hơn khoảng 4 lần so với phần còn lại của hành tinh.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học khác lại cho rằng mối liên hệ giữa sự ấm lên ở Bắc Cực và những đợt rét vẫn chưa rõ ràng. Đã có nhiều lần mùa đông rất lạnh ở Bắc bán cầu trùng với mùa đông ấm áp ở Bắc Cực, nhưng khó khăn ở đây là tách biệt nguyên nhân với hệ quả, theo James Screen, giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Exeter.

Screen cho biết, những đợt rét đậm có thể chỉ xảy ra do sự biến động khí hậu bình thường. Nói cách khác, kể cả khi mùa đông ấm hơn, những đợt rét đậm vẫn sẽ xuất hiện.

Biến đổi khí hậu cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của những cơn bão mùa đông, vì khí quyển ấm hơn sẽ giữ lại nhiều hơi ẩm hơn, dẫn đến mưa hoặc tuyết trút xuống dữ dội hơn.

Các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực làm sáng tỏ mối liên hệ phức tạp giữa biến đổi khí hậu và những đợt lạnh khắc nghiệt, nhưng họ đều đồng ý rằng xu hướng hiện nay là mùa đông ấm hơn. "Nếu nhìn vào dữ liệu, chúng tôi thấy rằng trong dài hạn, sự ấm lên toàn cầu đang khiến những đợt lạnh xảy ra ngày càng ít và mức độ khắc nghiệt cũng giảm", Screen cho biết.

Cập nhật: 17/01/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video