Thời tiết miền Bắc đang nóng và ẩm, chính độ ẩm cao lại khiến nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời cao hơn nhiệt độ không khí, tức là con người cảm thấy nóng hơn. Nhưng vào mùa Đông, độ ẩm cao ở miền Bắc lại gây cảm giác lạnh hơn. Tại sao cùng là độ ẩm cao mà lại tạo những hiệu ứng trái ngược như vậy?
Miền Bắc đang có những ngày nóng và độ ẩm cao. Độ ẩm cao chính là một yếu tố quan trọng khiến nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời cao hơn nhiệt độ không khí, có khi cao hơn đến 5 - 7oC.
Chẳng hạn, sáng nay, 17/4, độ ẩm ở Hà Nội là 91% (rất cao), nhiệt độ không khí là 27oC nhưng nhiệt độ cảm nhận thực tế (mức nhiệt độ mà chúng ta thực sự cảm thấy khi ra ngoài trời, trên các ứng dụng thời tiết ghi là Feels like hoặc Real feel) là 30oC. Đến chiều nay, có lúc nhiệt độ không khí ở Hà Nội sẽ khoảng 33oC nhưng nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời sẽ là 39 - 40oC.
Nhiệt độ không khí (trái) và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời (phải) ở một số tỉnh thành miền Bắc vào giữa giờ sáng đến trưa nay, 17/4. (Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap).
Tiến sĩ Deepak Chandon ở Khoa Vật lý, ĐH Toronto (Canada), đã đưa ra lời giải thích.
Vào mùa Hè, cơ thể con người cố “điều chỉnh” hơi nóng và duy trì nhiệt độ tối ưu thông qua quá trình toát mồ hôi. Rồi mồ hôi bốc hơi vào không khí, mang theo hơi nóng đã được loại ra khỏi cơ thể. Nhưng khi độ ẩm cao, không khí xung quanh cũng không thể nhận thêm chút hơi nước nào nữa, tức là mồ hôi không thể bốc hơi, hoặc ít nhất là không thể bốc hơi một cách hiệu quả, khiến con người cảm thấy nóng hơn. Trong trường hợp này, nhiệt độ cảm nhận thực tế cao hơn nhiệt độ không khí.
Kiểu thời tiết nóng và ẩm ở Đông Nam Á khiến nhiều người phải làm việc ngoài trời rất dễ mệt mỏi. (Ảnh: Andre Malerba/ Bloomberg via Getty Images).
Còn vào mùa Đông thì độ ẩm cao lại khiến nhiệt độ cảm nhận thực tế thấp hơn nhiệt độ không khí, nhưng các lý do của việc này ít rõ ràng hơn. Một lý do có thể là không khí ẩm vào mùa Đông khiến cơ thể con người mất nhiệt nhanh hơn là không khí khô. Cũng có thể là sự ngưng tụ hơi nước (do độ ẩm cao) trên quần áo vào mùa Đông ảnh hưởng đến khả năng giữ ấm của quần áo (ví dụ, làm giảm khả năng cách nhiệt của quần áo), gây cảm giác lạnh hơn.