Đã bao lần, biểu tượng cảnh báo màu vàng nhỏ và dòng chữ "No internet access" khiến chúng ta phải khốn đốn: không thể gửi tài liệu đúng hạn, dang dở một bộ phim đến hồi cao trào hay ngắm nhìn cầu thủ ở đang đứng yên chỉ vì… mất kết nối. Vậy, tại sao Internet đôi khi lại "trở chứng" như vậy?
Ngoại trừ các vấn đề phát sinh từ phía nhà cung cấp dịch vụ Internet mà chúng ta đang sử dụng (như cá mập cắn cáp chẳng hạn), thì có một cách khắc phục mà ngay cả dân không chuyên cũng có thể làm được, đó là kiểm tra đèn báo hiệu trên bộ định tuyến (router), sau đó khởi động lại nó bằng cách nhấn nút nguồn phía sau lưng router hoặc chắc chắn hơn là tháo và cắm lại phích cắm nguồn. Tuy nhiên tại sao chỉ bằng biện pháp đơn giản như vậy lại giúp mạng Internet trở lại thời kỳ "hoàng kim" như chưa hề có chuyện gì xảy ra? Để giảm bớt phần nào những khúc mắc trong đầu, hãy cùng lướt qua một vài nguyên nhân mang tính khoa học để tìm hiểu tại sao đôi khi internet lại bị ngắt bất chợt như vậy.
Cấu trúc phức tạp bên trong
Có thể bạn cho rằng router chỉ là một chiếc hộp gọn nhẹ, đơn giản và chỉ cần cắm dây vào thì có thể kết nối internet. Tuy nhiên để có thể đảm đương được nhiệm vụ "kết nối" đó, thì bên trong nó là một cấu trúc các linh kiện điện tử khá phức tạp. Về tổng quan, một bộ định tuyến sẽ bao gồm CPU, bộ nhớ, bo mạch PCB chính, các linh kiện đầu vào, đầu ra, và có hẳn một hệ điều hành riêng – cấu trúc khá giống với một chiếc máy tính thông thường. Hàng tá linh kiện này sẽ có nhiệm vụ đảm bảo việc quản lý tốt băng thông, tuy nhiên chúng đôi khi có thể bị quá tải.
Nếu như bạn có thể làm chậm máy tính xách tay hay PC của mình bằng cách mở nhiều tab trình duyệt, phát nhiều video 4K cùng lúc hay chơi các game cấu hình cao thì đối với router cũng tương tự như vậy: việc đẩy hàng tấn dữ liệu qua nhiều thiết bị có thể gây tắc nghẽn router – đôi khi gây nên tình trạng quá tải và buộc nó phải ngừng lại.
IP động
Các nhà cung cấp dịch vụ Internet chỉ gán các địa chỉ IP này cho các thiết bị trong một khoảng thời gian nhất định.
IP động là một nguyên nhân hầu như phổ biến mỗi khi nhắc đến lỗi truy cập mạng. Đơn giản mà nói, địa chỉ IP là giao thức internet có chức năng giúp đường truyền internet có thể tìm đến đúng thiết bị của bạn. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet chỉ gán các địa chỉ IP này cho các thiết bị trong một khoảng thời gian nhất định. Khi hết thời gian này, họ sẽ chỉ định một địa chỉ mới, đó là cách thức mà IP "động" hoạt động. Đôi lúc, lượng dữ liệu quá cao sẽ có thể làm cho bộ định tuyến không thể kết nối đến địa chỉ IP mới và sẽ tiếp tục tìm kiếm địa chỉ cũ đã hết hạn. Điều này khá giống với việc một bưu kiện của bạn được giao ở địa chỉ căn hộ cũ, mặc dù bạn đã cập nhật địa chỉ mới của mình vậy.
Không gian chật chội, bụi bẩn
Router là một thiết bị điện tử, và tất nhiên thiết bị điện tử khi hoạt động sẽ tỏa ra nhiều nhiệt và hiện tượng giảm hiệu suất xảy ra khi thiết bị trở nên quá nóng. Vì vậy, không quá khó hiểu khi các nhà sản xuất tạo ra các khe tỏa nhiệt lớn trên các bộ định tuyến, tuy nhiên ý đồ của nhà sản xuất có thể trở nên vô ích, hay thậm chí là phản tác dụng nếu bạn vứt chúng vào một góc chật chội với lỗ thông gió bị chặn bởi hàng tá dây cáp và các vật dụng khác xung quanh.
Ngoài ra, nếu không vệ sinh router thường xuyên, bụi bẩn dài ngày cũng sẽ gây cản trở cho việc thoát nhiệt. Hãy chắc chắn rằng router có đủ không gian để nó có thể "thở", không nên chọn những vị trí quá chật chội hoặc quá nhiều vật dụng xung quanh và đảm bảo vệ sinh cho nó thường xuyên.
Hiện tượng nhiễu sóng
Vấn đề này thường xảy ra trên bộ định tuyến sử dụng kết nối không dây. Với tính chất gọn và thuận tiện, hầu hết các kết nối internet gia đình ngày nay đều sử dụng sóng Wi-Fi. Nhưng đôi khi sóng cũng xảy ra tình trạng quá tải, đặc biệt nếu Wi-Fi hoạt động trên dải tần 2.4GHz phổ biến. Tiếng ồn phát ra từ các thiết bị gia dụng thông thường như lò vi sóng hay thậm chí tín hiệu từ các bộ định tuyến gần đó, nếu trên cùng một tần số có thể trùng lặp với nhau (hiện tượng nhiễu), gây ra khó khăn cho các thiết bị nhận (điện thoại, TV hay máy tính).
Vấn đề này thường xảy ra trên bộ định tuyến sử dụng kết nối không dây.
Trong trường hợp vô tình rơi vào tình trạng này, bạn có thể truy cập vào cài đặt của bộ định tuyến và thay đổi kênh, hoặc có thể chuyển từ băng tần 2.4GHz sang 5GHz – nếu như router của bạn có hỗ trợ.
Một số vấn đề về phần mềm
Đôi khi, vấn đề kết nối internet kém nằm ở phần mềm, ứng dụng hoặc ứng dụng mở rộng bị lỗi.
Cụ thể, sử dụng một thiết bị có phần mềm hay driver lỗi thời đôi khi có thể dẫn đến trục trặc trong khi kết nối mạng. Vì vậy cần phải đảm bảo cập nhật phiên bản mới nhất của hệ điều hành. Hoặc có lúc, gỡ và cài đặt lại driver Wi-Fi có thể khắc phục các sự cố kết nối internet.
Các tiện ích mở rộng, plugin hoặc trình duyệt đôi khi cũng gây ra sự cố về truy cập internet. Hãy chuyển sang một trình duyệt khác hoặc thử chế độ ẩn danh để kiểm tra xem internet có hoạt động trở lại hay không.
Cuối cùng, nếu bạn đang sử dụng VPN để truy cập các trang web bị chặn, thì nó cũng có thể là nguyên nhân gây ra các cản trở trong việc kết nối internet. Hãy kiểm tra việc truy cập mạng trên các thiết bị khác, nếu kết nối vẫn bình thường, chứng tỏ VPN có khả năng là thủ phạm đã làm gián đoạn khoảng thời gian lướt web vui vẻ của bạn.