Chuột rút khi ngủ khiến bạn cảm thấy đau đớn, mất ngủ? Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị tình trạng này qua bài viết dưới đây.
Chuột rút còn gọi vọp bẻ, là hiện tượng co cơ, có thể xảy ra ở bàn chân, bắp chân, thường đến bất ngờ, gây đau đớn, khó chịu. Chúng có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau như tập thể dục khi trời nóng, mất nước, mang thai, lão hóa, rối loạn thần kinh hoặc tuyến giáp, tác dụng phụ của thuốc... Thiếu hụt khoáng chất và vitamin cũng có nguy cơ gây chuột rút.
Chuột rút khi ngủ là gì?
Chuột rút ở chân thường ảnh hưởng đến cơ bắp chân - kéo dài ở phía sau mỗi chân từ mắt cá đến đầu gối. Tuy nhiên, chúng cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ ở phía trước của mỗi đùi (cơ tứ đầu) và mặt sau của mỗi đùi (gân kheo).
Chuột rút ở chân xảy ra cả khi thức hoặc ngủ. Trong hầu hết các trường hợp, cơ bắp tự dãn ra trong vòng chưa đầy 10 phút, nhưng cảm giác đau nhức có thể kéo dài đến ngày hôm sau. Tình trạng chuột rút này nếu xuất hiện thường xuyên vào ban đêm sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.
Chuột rút chân khi ngủ phổ biến hơn ở phụ nữ và người lớn tuổi.
Nguyên nhân bị chuột rút khi ngủ rất đa dạng.
Nguyên nhân gây ra chuột rút chân khi ngủ
Hiện nay nguyên nhân gây ra chuột rút chân khi ngủ vẫn chưa được tìm ra. Trong hầu hết các trường hợp, chuột rút chân về đêm là vô căn, có nghĩa là nguyên nhân chính xác của chúng không được xác định. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có những yếu tố làm tăng nguy cơ gặp tình trạng này của bạn.
Chuột rút chân ban đêm có thể liên quan đến vị trí bàn chân. Chúng ta thường ngủ với bàn chân và ngón chân duỗi dài so với khỏi phần còn lại của cơ thể - một tư thế gọi là Plantar Flexion. Điều này rút ngắn cơ bắp chân, khiến chúng dễ bị chuột rút hơn.
Các yếu tố khác có thể góp phần vào chứng chuột rút khi ngủ bao gồm:
- Lối sống ít vận động: Cơ bắp cần được kéo dãn thường xuyên để có thể hoạt động đúng. Ngồi trong thời gian dài có thể khiến cơ bắp chân dễ bị chuột rút hơn.
- Sử dụng cơ bắp quá mức: Tập thể dục quá nhiều có thể cơ bắp làm việc quá sức, dẫn đến chuột rút cơ bắp.
- Tư thế ngồi không đúng: Ngồi với hai chân bắt chéo hoặc nhón chân trong thời gian dài cũng ảnh hưởng đến cơ bắp chân, dẫn đến chuột rút.
- Đứng quá lâu: Nghiên cứu cho thấy, những người đứng trong thời gian dài tại nơi làm việc có nhiều khả năng gặp phải chứng chuột rút khi ngủ.
- Thần kinh không ổn định: Theo các nghiên cứu thần kinh, chuột rút ở chân có liên quan đến sự gia tăng bất thường của dây thần kinh.
- Co rút gân: Các gân, kết nối cơ và xương, sẽ ngắn lại tự nhiên theo thời gian. Điều này có thể dẫn đến chuột rút trong cơ bắp.
- Thời tiết: Có nghiên cứu chứng minh, chứng chuột rút ở chân vào ban đêm phổ biến hơn vào mùa hè so với mùa đông. Dù không đúng với tất cả mọi người, tần suất của những cơn chuột rút này có xu hướng lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 7 và bùng phát vào giữa tháng 1. Tiến sĩ, bác sĩ Garrison, Phó giáo sư kiêm Trưởng khoa Y tế gia đình của Đại học Alberta (Canada) đồng thời là tác giả nghiên cứu trên cho biết những cơn chuột rút cơ không phải do rối loạn cơ mà bởi các vấn đề về thần kinh, cụ thể là các dây thần kinh chạy từ cột sống xuống bắp chân gây ra. Lý giải nguyên nhân hiện tượng này phổ biến hơn vào mùa hè, bác sĩ Garrison cho biết, các dây thần kinh có thể hoạt động tích cực hơn vào mùa hè do lượng vitamin D cao hơn (dễ đạt đỉnh điểm do tiếp xúc nhiều ánh nắng). Vì vậy, cơ thể bạn có thể "tăng tốc" sửa chữa những vấn đề liên quan đến thần kinh và có thể gây ra những cơn chuột rút này.
- Mất nước: Có một số bằng chứng cho thấy tình trạng mất nước làm gia tăng chứng chuột rút về đêm. Mất nước có thể dẫn tới sự mất cân bằng điện giải trong máu và là một nguyên nhân gây ra chuột rút. Yếu tố này cũng có thể lý giải cho việc chuột rút chân phổ biến hơn vào mùa hè. Đây là thời điểm nhiệt độ và sự cân bằng chất lỏng có sự thay đổi và cũng có ảnh hưởng đến hiện tượng chuột rút.
Chuột rút chân vào ban đêm thường không phải là dấu hiệu dẫn đến một tình trạng y tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng thường liên kết với các tình trạng sức khoẻ sau:
- Mang thai
- Vấn đề về cấu trúc cơ thể, chẳng hạn như bàn chân phẳng hoặc hẹp cột sống
- Rối loạn thần kinh, chẳng hạn như bệnh thần kinh vận động hoặc bệnh thần kinh ngoại biên
- Rối loạn thoái hóa thần kinh, như bệnh Parkinson
- Rối loạn cơ xương khớp, chẳng hạn như viêm xương khớp
- Các tình trạng về gan, thận và tuyến giáp
- Rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như bệnh tiểu đường
- Tình trạng về tim mạch, chẳng hạn như bệnh tim hoặc bệnh mạch máu ngoại biên
- Ảnh hưởng của thuốc, chẳng hạn như statin và thuốc lợi tiểu
Cách chữa chuột rút bắp chân có thể dễ dàng thực hiện tại nhà.
Điều trị chuột rút khi ngủ
Mặc dù chuột rút ở chân vào ban đêm có thể rất đau đớn, nhưng chúng thường không nghiêm trọng. Hầu hết những người gặp tình trạng này đều không cần điều trị y tế.
Bạn có thể thử những biện pháp sau đây ở nhà để cố gắng giảm bớt tình trạng chuột rút:
- Massage chân: Massage các cơ bị ảnh hưởng có thể giúp cơ thể bạn thư giãn. Sử dụng một hoặc cả hai tay và nhẹ nhàng xoa bóp và nới lỏng cơ bắp.
- Duỗi cơ: Nếu chuột rút ở bắp chân, hãy thử duỗi thẳng chân. Co duỗi chân của bạn, nâng lên ngang tầm mắt và để các ngón chân hướng về phía bạn.
- Đi bằng gót chân: Điều này sẽ kích hoạt các cơ đối diện với bắp chân, cho phép chúng thư giãn.
- Chườm nóng: Nhiệt có thể làm dịu cảm giác chuột rút cơ bắp. Chườm một chiếc khăn nóng, chai nước nóng hoặc miếng sưởi cho khu vực bị chuột rút. Tắm nước ấm cũng có thể giúp ích.
- Uống nước dưa chua: Một số bằng chứng cho thấy rằng uống một lượng nhỏ nước dưa chua có thể làm giảm tình trạng chuột rút cơ bắp.
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn nếu chân bị đau sau đó: Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen (Advil, Motrin) và naproxen (Aleve) có thể giúp giảm đau sau khi bị chuột rút. Acetaminophen (Tylenol) cũng có thể hoạt động hiệu quả như hai loại thuốc trên.
Làm thế nào để ngăn chặn chuột rút chân vào ban đêm
Những lời khuyên sau đây có thể giúp bạn tránh bị chuột rút ở chân khi ngủ:
- Uống nhiều nước: Chất lỏng cho phép các cơ hoạt động bình thường. Bạn có thể cần điều chỉnh lượng chất lỏng bạn uống dựa trên các yếu tố như thời tiết, tuổi tác, mức độ hoạt động và loại thuốc đang sử dụng.
- Kéo dãn chân: Kéo dãn bắp chân và gân trước khi ngủ có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của chứng chuột rút khi ngủ.
- Đạp xe đạp trên không: Một vài phút tập thể dục với tư thế đạp xe dễ dàng giúp nới lỏng cơ bắp chân trước khi bạn đi ngủ.
- Thay đổi tư thế ngủ: Bạn nên tránh ngủ với những tư thế mà bàn chân hướng xuống dưới. Hãy thử nằm ngửa với một cái gối phía sau đầu gối của bạn.
- Chọn giày dép phù hợp: Giày dép thiết kế kém có thể làm nghiêm trọng thêm các vấn đề với dây thần kinh và cơ bắp ở chân, đặc biệt nếu bạn có bàn chân bẹt.
- Ăn thực phẩm giàu vitamin: Người bị thiếu hụt vitamin khiến chuột rút cơ nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Các món giàu vitamin B gồm cá hồi, rau bina, đậu lăng, thịt gà, cam, bơ. Thực phẩm có nhiều vitamin D như cá hồi, nấm, sữa tăng cường, các sản phẩm đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành.
- Massage: Khi vùng xung quanh vị trí co thắt cơ khó chịu, bạn có thể massge để cải thiện tình trạng.
Chuột rút cơ thường tự khỏi nhưng nếu xảy ra thường xuyên mà không rõ nguyên nhân, kèm yếu cơ, sưng tấy, đau nặng thì người bệnh cần đi bác sĩ khám.
Độc lạ loài cá chỉ có ở một tỉnh của Việt Nam: Biết bò trên cạn, leo cây, bắt chim
Loại quả được Dubai ví như "hạt ngọc sa mạc", giúp hạ đường huyết cực tốt