Một thứ tưởng chừng như đơn giản như nắp lon, lại chính là kết tinh của sự sáng tạo trong suốt một khoảng thời gian dài.
Tìm hiểu về cách thiết kế nắp lon Coca
Khi lon nước ở trạng thái bình thường, nắp lon được các nhà vật lý học gọi là "đòn bẩy cấp hai", với lực tác dụng chỉ có thể đi theo một hướng. Xe cút kít là một dạng đòn bẩy loại này. Khi bạn nâng tay cầm lên, hầu hết trọng lực sẽ dồn về phía điểm tựa, mà trong trường hợp này là bánh xe. Nhờ vậy mà bạn có thể đẩy xe một cách dễ dàng.
Nắp lon ở trạng thái bình thường có cơ chế giống như xe cút kít.
Mới đây, trong một đoạn video trên Youtube, Bill Hammack - một kĩ sư tại trường Đại học Illinois đã giải thích rằng, cơ chế của việc bật nắp lon cũng giống như đẩy xe cút kít, là tác dụng một lực để đẩy phần nắp tán tách ra khỏi lon.
Nhưng vào thời điểm mà bạn bật nắp lon, còn một điều kì diệu khác diễn ra: nắp lon lúc này không còn là "đòn bẩy cấp hai" nữa, mà chuyển hóa thành "đòn bẩy cấp một", với lực tác động chuyển hướng qua điểm tựa giống như cái bập bênh.
Nhưng khi mở lon, nắp lon sẽ chuyển cơ chế thành giống như bập bênh.
Theo như lời Hammack trong đoạn video: "Thiết kế thông minh của những lon nước nằm ở chỗ, áp suất phía bên trong lon luôn đẩy phần nắp tán lên, làm cho viền nắp yếu đi, và khi có lực tác động vào nắp tán, lon sẽ được mở theo cơ chế bập bênh". Tiếng "tách" mà bạn nghe thấy lúc mở nắp lon chính là do áp suất phía bên trong và ngoài lon cân bằng với nhau.
Cơ chế hình thành lỗ cân bằng áp suất khi có sức ép từ bên trong.
Tại sao cơ chế này lại quan trọng? Theo như Hammack giải thích, nếu như bạn cố gắng mở nắp lon chỉ bằng cách ấn nắp tán xuống trước khi tạo ra lỗ để cân bằng áp suất, nắp lon sẽ cần phải rất to và nặng để có thể chống lại được áp suất đến từ phía trong lon. Điều này sẽ khiến việc sản xuất lon nước trở nên tốn kém hơn rất nhiều.
Vậy mới biết, những ý tưởng tuyệt vời đôi khi chẳng hề phức tạp một chút nào. Và có lẽ, thiết kế hiện tại, chính là cách hoàn hảo nhất để bật nắp các lon Coca.