Câu chuyện con người thông minh nhất khi ở nhiệt độ 22 độ C không đơn giản ở chỗ nhiệt độ lạnh giúp con người bình tĩnh suy nghĩ mà còn bắt nguồn sâu xa từ chính sự tác động của nhiệt độ tới quá trình cung cấp năng lượng cho hoạt động bên trong của não bộ.
Các nhà khoa học Amar Cheema thuộc Đại học Virginia và Vanessa M. Patrick thuộc Đại học Houston, Mỹ đã không dừng lại ở những thí nghiệm quan sát bên ngoài như việc chọn vé số hay soát lỗi chính tả của bài báo của những người tham gia nghiên cứu khi được đặt ở trong phòng nhiệt độ lạnh và nóng để so sánh và rút ra kết luận về sự tác động của nhiệt độ tới độ thông minh của con người. Hai nhà khoa học này còn tìm hiểu sâu về quá trình ảnh hưởng của nhiệt độ tới sự tiêu thụ đường glucose.
Sự tác động của nhiệt độ tới quá trình tiêu thụ đường glucose ảnh hưởng đến độ minh mẫn của não bộ con người. (Ảnh minh họa)
Đó cũng chính là mấu chốt để giải đáp vấn đề tại sao ở nhiệt độ lạnh con người lại có thể minh mẫn hơn khi ở trong môi trường nóng. Khi trời nóng, cơ thể con người sẽ phải mất nhiều năng lượng hơn để làm mát so với việc làm ấm cơ thể khi trời lạnh. Trong khi đấy, năng lượng của cơ thể người xuất phát từ chính chất đường trong cơ thể. Đây cũng là chất cần thiết cho quá trình vận động ý thức của não bộ.
Kiểm tra quá trình tiêu thụ chất đường glucose trong nhóm người tham gia thí nghiệm ở hai phòng nóng và lạnh với mức nhiệt độ khác nhau, hai nhà nghiên cứu phát hiện ra, những lựa chọn đòi hỏi nhận thức phức tạp đối với người tham gia phòng nóng nhanh chóng bị sai lệch hơn do bị cạn kiện đáng kể glucose so với người ở trong phòng lạnh. Chính điều đó đã làm suy yếu chức năng nhận thức của họ. Trái lại khi cơ thể phải mất ít năng lượng khi ở phòng mát sẽ giúp lượng đường có sẵn cho não dồi dào hơn giúp não bộ thực hiện chức năng nhận thức tốt hơn.
Cơ thể tốn ít glucose khi nhiệt độ lạnh sẽ giúp dự trữ đường cho hoạt động của não.
Những kết quả nghiên cứu này đã được Amar Cheema thuộc Đại học Virginia và Vanessa M. Patrick thuộc Đại học Houston công bố trên trang Scientificamerican vào ngày 12/2/2013.
Trước nghiên cứu trên, từ lâu các nhà khoa học biết được đường glucose chính là nhiên liệu cho quá trình hoạt động của não bộ. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Journal Clinical Nutrition (Tạp chí Dinh dưỡng Y học của Mỹ) năm 1998, các nhà khoa học đã đưa ra những bằng chứng chứng tỏ đường glucose có vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng học tập và nhận thức của con người.