Màng phát tia laser do nhóm nghiên cứu tại Đại học St Andrew phát triển có thể ứng dụng trong việc kiểm tra an ninh.
Các nhà khoa học tại Đại học St Andrews, Scotland, chế tạo một tấm màng mềm dày chưa đến một phần nghìn milimet có thể gắn trên kính áp tròng, Newsweek hôm 2/5 đưa tin. Tấm màng này giúp người dùng có thể bắn tia laser từ mắt.
Tấm màng gắn trên kính áp tròng trong thử nghiệm với mắt bò. (Ảnh: Newsweek).
Tấm màng được làm từ một loại polymer bán dẫn hữu cơ. Nó phát ra ánh sáng laser rất yếu khi có laser khác chiếu vào. Mỗi tấm màng có thể tạo ra một loại mã vạch độc nhất dưới dạng các đường mảnh trên mặt phẳng.
Nhóm nghiên cứu hy vọng công nghệ mới mang lại nhiều ứng dụng hữu ích. Tấm màng có thể dùng để nhận dạng như một loại tem an ninh. Vật dụng nhỏ và nhẹ này cũng có thể được gắn lên đồ vật khác như tiền polymer, giúp chống tiền giả, thậm chí dùng như một loại cảm biến phát hiện chất nổ.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications, nhóm nhà khoa học miêu tả tấm màng và chứng minh khả năng phát ra laser bằng cách gắn nó vào kính áp tròng và đặt lên mắt bò, thường dùng trong thí nghiệm vì có nhiều điểm tương tự mắt người. Kết quả chỉ ra, tấm màng sẽ an toàn nếu sử dụng trên người.
"Nghiên cứu của chúng tôi đánh dấu cột mốc mới trong việc phát triển laser, đặc biệt là cho thấy laser có thể được dùng trong môi trường mềm, trong thiết bị cảm biến đeo trên người hoặc sử dụng như đặc điểm xác thực trên tiền giấy", Malte Gather, giáo sư vật lý tại Đại học St Andrew, cho biết.