Người nguy cơ cao nên chụp CT ngực liều thấp mỗi năm, người nguy cơ trung bình chụp CT ngực liều thấp hai năm liên tiếp và mỗi 3-5 năm.
Phó giáo sư Phạm Hùng Cường, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết ung thư phổi là một trong năm loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam. Bệnh có hai dạng là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn sớm có tỷ lệ khỏi bệnh cao, 92% sống năm năm nếu khối u ung thư kích thước dưới một cm. Nếu đã di căn xa đến gan hoặc tuyến thượng thận thì chỉ có khoảng 1% sống còn năm năm sau điều trị.
Các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn sớm có tỷ lệ khỏi bệnh cao. (Ảnh: brocku).
Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi:
- Hút thuốc lá, hút thuốc thụ động.
- Khí radon, amiăng, không khí ô nhiễm, tiền căn xạ trị vào phổi.
- Gia đình có người bị ung thư phổi.
Trong các yếu tố nguy cơ trên, hút thuốc và hút thuốc thụ động là quan trọng nhất. Việc không hoặc ngưng hút thuốc được coi là các biện pháp chủ yếu giúp phòng ngừa.
Những người nào có nguy cơ bị ung thư phổi?
Nguy cơ trung bình là người từ 50 tuổi trở lên, không hút thuốc hoặc hút thuốc ít, từng hút thuốc nhiều nhưng đã ngưng trên 15 năm.
Nguy cơ cao là người từ 50 tuổi, hút thuốc 30 gói mỗi năm, một gói mỗi ngày trong 30 năm hoặc 2 gói mỗi ngày trong 15 năm.
Ung thư phổi có thể phát hiện sớm được không?
Các triệu chứng thường gặp của các bệnh nhân ung thư phổi là:
- Đau ngực.
- Ho.
- Khó thở.
- Khàn tiếng.
- Hạch cổ.
Các bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì. Để phát hiện sớm cần phải tầm soát những người có nguy cơ bị ung thư phổi khi chưa có triệu chứng gì. Hiện nay các nhóm có nguy cơ bị ung thư phổi đã được xác định, các phương tiện tầm soát ung thư phổi cũng đã có sẵn, do vậy việc phát hiện sớm là khả thi.
Nên tầm soát bệnh thế nào?
Hướng dẫn của Bộ Y tế Nhật Bản, người có nguy cơ cao nên chụp CT ngực liều thấp mỗi năm. Người có nguy cơ trung bình nên chụp CT ngực liều thấp hai năm liên tiếp và mỗi 3-5 năm. Nếu có bất thường, sẽ chụp CT ngực liều cao, soi phế quản, sinh thiết xuyên thành ngực, mổ ngực…
Hướng dẫn của Bộ Y tế Mỹ, tầm soát tuổi 55-74 bằng chụp CT ngực liều thấp mỗi năm. Nếu có bất thường, sẽ chụp CT ngực liều cao, soi phế quản, sinh thiết xuyên thành ngực, mổ ngực…
Phó giáo sư Phạm Hùng Cường cho biết, chụp CT ngực liều thấp là chụp cắt lớp ngực, với việc chụp nhanh, trong một lần hít vào tối đa, kéo dài không quá 25 giây. Lượng phóng xạ phóng xạ bệnh nhân phải chịu thấp hơn lượng phóng xạ một người trung bình nhận mỗi năm từ các hoạt chất phóng xạ tự nhiên và bức xạ vũ trụ từ ngoài không gian. Chụp CT ngực liều thấp giúp phát hiện được những khối bướu nhỏ dưới một cm mà X-quang phổi thường không thể thấy được.
Tầm soát ung thư phổi giúp phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm với khả năng điều trị khỏi bệnh cao, 92% sống năm năm. Có thể kiểm tra tại Khoa Tầm soát ung thư Bệnh viện Ung bướu TP HCM hoặc các cơ sở y tế có thể chụp CT.