Vi khuẩn E. Coli vốn “có tiếng” xấu với nhiều chủng gây ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiết niệu, tiêu chảy và các bệnh khác.
Nhưng các nhà khoa học Anh và Phần Lan mới đây đã tìm ra cách dùng vi khuẩn này để tạo ra năng lượng xanh thay thế năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và gây ô nhiễm.
Theo Tech Times ngày 3/9, nhà khoa học Patrik Jones (trường Imperial College London) và các đồng nghiệp đã dùng vi khuẩn E.coli để làm gián đoạn tổng hợp axit béo, một quá trình có thể chuyển đổi các axit béo vào màng tế bào.
Các nhà khoa học vừa tìm ra cách tạo ra khí propan bằng cách sử dụng vi khuẩn E.coli - (Ảnh: Ben Britten/Flickr)
Bằng cách sử dụng các enzyme đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã chuyển hướng các axit béo để thay vì sản xuất màng tế bào, vi khuẩn E.coli sản xuất khí propan có thể tái tạo (propan là khí không màu có trong tự nhiên và dầu lửa, dùng làm nhiên liệu).
Jones cho biết chỉ có 5 chủng của vi khuẩn E. coli được dùng trong quá trình này. Về lý do tại sao họ chọn cách tạo ra khí propane, Jones nói khí này có thể được tách ra từ quá trình tự nhiên mà không đòi hỏi nhiều năng lượng. Khí này cũng có thể dễ dàng sử dụng với cơ sở hạ tầng hiện có.
Nhóm của Jones cho rằng phát hiện của họ có thể mở đường cho việc sản xuất thương mại một loại nhiên liệu tái tạo có tiềm năng thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch vốn đang ngày càng cạn kiệt.
"Nhiên liệu hóa thạch là một nguồn tài nguyên hữu hạn còn dân số thế giới cứ tiếp tục tăng, đòi hỏi chúng ta phải có những cách mới để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng", Jones nói.
Ông cũng cho biết nhóm của họ đang tiếp tục nghiên cứu để cải tiến quy trình sản xuất khí propan từ E.coli với chi phí thấp và bền vững về mặt kinh tế.