Nghiến răng là hiện tượng nghiến hay siết chặt quá mức các răng ở hai hàm trên và dưới và thương diễn ra khi ngủ. Thông thường người bệnh không ý thức được hiện tượng này, tuy nhiên cũng có người nghiến răng vào lúc thức. Sự nghiến răng giữa hai hàm với nhau gây ra những âm thanh khó chịu cho những người ngủ chung và những người xung quanh.
Nghiến răng tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và những người xung quanh đồng thời cũng gây ra những tác hại nhất định như:
- Răng có thể mòn, sứt, gãy miếng trám trên răng có can thiệp phục hình nha khoa, gẫy các hàm giả, làm mòn mặt răng...
- Nghiến răng gây đau mỏi các cơ, đau đầu, đau cổ...
- Đau loạn dưỡng khớp thái dương hàm, nhiều khi làm nhai khó và há miệng khó.
- Về thẩm mỹ: những người mắc tật nghiến răng mạn tính lâu ngày tạo ra vẻ mặt mất cân xứng và trông có vẻ già hơn.
Về nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi: Có nhiều nguyên nhân và các yếu tố có thể gây ra hiện tượng nghiến răng, chúng có thể tác động riêng rẽ hoặc phối hợp với nhau, bao gồm:
- Stress căng thẳng do làm việc hay áp lực công việc ban ngày cũng gây cho người bệnh có những giấc ngủ kèm treo hiện tượng nghiến răng.
- Các nguyên nhân gây cản trở vướng cộm ở khớp cắn.
- Các rối loạn chức năng ở hệ thần kinh trung ương.
- Suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ hay người già suy kiệt…
- Uống nhiều rượu và thuốc lá, một số tác giả còn cho rằng hiện tượng nghiến răng còn mang tính di truyền.
Các yếu tố thuận lợi tạo nên sự trầm trọng của bệnh như: nha chu viêm, co cứng các cơ hàm, viêm khớp thái dương hàm… làm tăng tình nghiến răng hoặc xiết chặt răng.
Về điều trị: Hiện nay chưa có một phương pháp nào thỏa đáng, song có một số biện pháp làm giảm hay ngăn ngừa tật nghiến răng như: loại bỏ các vướng cộm ở khớp cắn; tránh stress; loại bỏ thói quen uống rượu, hút thuốc. Làm máng mặt nhai được mang vào ban đêm có tác dụng ngăn ngừa các cơn nghiến răng và ngăn chặn sự phá hoại răng do nghiến, có thể giảm tình trạng đau cơ và khớp thái dương hàm...
BS Bạch Long