Tàu đổ bộ Mặt trăng tư nhân của Mỹ bị rò rỉ nhiên liệu

6 giờ sau khi cất cánh, tàu đổ bộ Peregrine của công ty Astrobotic Technology bị trục trặc kỹ thuật có thể khiến nhiệm vụ hạ cánh trên Mặt trăng thất bại.

Tàu Peregrine gặp sự cố nghiêm trọng ở hệ thống đẩy hôm 8/1, không lâu sau khi bay vào không gian trên tên lửa mới Vulcan Centaur của United Launch Alliance's (ULA). Vấn đề này sẽ ngăn Peregrine bay tới Mặt trăng như kế hoạch, theo Space. "Trục trặc bên trong hệ thống đẩy đang gây thất thoát nhiên liệu. Đội kỹ thuật đang tìm cách khắc phục sự cố, nhưng xét theo tình hình, chúng tôi ưu tiên thu thập tối đa dữ liệu khoa học", công ty Astrobotic Technology ở Pittsburgh, cho biết.


Bức ảnh đầu tiên chụp bởi tàu đổ bộ Peregrine sau khi phóng. (Ảnh: Astrobotic).

Hoạt động phóng tàu Peregrine là một cột mốc lớn trong bay vũ trụ, đánh dấu khởi đầu trôi chảy của tên lửa Vulcan Centaur cực mạnh sẽ thay thế các tên lửa đẩy Atlas V và Delta của ULA, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới của khám phá Mặt trăng tư nhân.

Peregrine thuộc chương trình Commercial Lunar Payload Services (CLPS) của NASA, hướng tới vận chuyển thiết bị khoa học trên tàu tư nhân tự lái. Tàu đổ bộ chở 5 khối hàng của NASA trong chuyến bay, bao gồm thiết bị rò bức xạ và một số quang phổ kế, được thiết kế để tìm dấu vết băng nước dưới bề mặt. Theo NASA, việc thúc đẩy phát triển tàu vũ trụ tư nhân sẽ cho phép họ thực hiện nhiều nghiên cứu Mặt trăng nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, qua đó chuẩn bị cho nhiệm vụ có người lái tới Mặt trăng trong chương trình Artemis. NASA cũng hy vọng CLPS giúp tăng cường năng lực của khối vũ trụ tư nhân Mỹ và kích thích phát triển kinh tế ngoài Trái đất.

Nhà chức trách NASA nhấn mạnh mỗi nhiệm vụ CLPS đều rủi ro cao. Chưa có tàu vũ trụ tư nhân nào hạ cánh thành công trên Mặt trăng. "Mỗi thành công và thất bại đều là cơ hội học hỏi và phát triển", Joel Kearns, phó quản lý phụ trách khám phá ở Ban chỉ đạo Nhiệm vụ Khoa học của NASA tại Washington, chia sẻ. "Chúng tôi sẽ sử dụng bài học này để tăng cường nỗ lực phát triển thương mại và khám phá khoa học với Mặt trăng".

Thí nghiệm của NASA không phải khối hàng duy nhất mà Peregrine đưa tới Mặt trăng. Tàu đổ bộ chở tổng cộng 20 khối hàng, bao gồm tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên của Mexico và khoang tưởng niệm từ công ty chuyên về dịch vụ chôn cất trong vũ trụ Celestis. Con tàu cũng chở tro cốt người, bao gồm nhà văn khoa học viễn tưởng Arthur C. Clarke, cha đẻ loạt phim Star Trek Gene Roddenberry cùng vợ con ông và nhiều người khác. Ngoài ra, trên tàu còn có mẫu vật ADN của các tổng thống Mỹ George Washington, Dwight Eisenhower, John F. Kennedy, và Ronald Reagan.

Trục trặc đe dọa nỗ lực hạ cánh trên Mặt trăng đầu tiên của Mỹ từ năm 1972, sau khi chương trình Apollo kết thúc. Để đáp xuống Mặt trăng, tàu Peregrine nặng 1,3 tấn cần chỉnh hướng động cơ để hoạt động trong những lần đốt nhiên liệu có kiểm soát khi hạ thấp dần. Peregrine được lên lịch bay theo đường vòng tới vị trí hạ cánh cuối cùng, và dự kiến tiếp đất vào ngày 23/2.

Astrobotic Technology là công ty đầu tiên trong 3 công ty Mỹ đưa tàu đổ bộ tới Mặt trăng năm nay. Cùng với Intuitive Machines và Firefly Aerospace, họ hợp tác với NASA và sẽ phóng thêm 5 nhiệm vụ nữa tới Mặt trăng năm 2024. Tàu đổ bộ Mặt trăng tư nhân tiếp theo sẽ cất cánh trong chương trình CLPS của NASA là Nova-C do công ty Intuitive Machines ở Houston chế tạo. Nova-C sẽ phóng trên tên lửa Falcon 9 của SpaceX vào giữa tháng 2/2024 và hạ cánh gần cực nam Mặt trăng không lâu sau đó.

Cập nhật: 10/01/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video