Loại tàu hoả này không có cánh cũng như bất kỳ loại bánh xe nào, cũng không phải chạy trên đệm từ trường. Chúng chạy ở trên cao, cách mặt đất hàng mét. Đó là một cuộc cách mạng trong thiết kế, chế tạo và vận hành tàu hoả.
Người ta nhớ lại rằng vào đầu thời kỳ cách mạng công nghiệp ở Anh, thợ mỏ than xứ này phải vận chuyển than trong các đường hầm bằng xe cút kít thùng gỗ và bánh gỗ. Công việc thật nặng nhọc. Thế rồi ai đó nghĩ ra cách lót ván làm lối cho bánh xe - lực ma sát giảm, nhờ thế mà công việc có nhẹ nhàng hơn đôi chút. Dần dà, ván được thay bằng thanh ray và bánh xe cút kít được làm bằng sắt. Rồi ray đơn được thay bằng ray đôi và xe cút kít một bánh được thay bằng toa goòng sắt có 4 bánh sắt. Đường sắt ra đời đại khái như vậy.
Suốt mấy thế kỷ qua, người ta đã quen với hình ảnh ray sắt gắn trên đường và bánh xe gắn liền với toa xe mà không ai nghĩ đến có thể làm ngược lại: thanh ray gắn với toa xe còn bánh xe thì.... ở trên đường. Gần đây, một nhóm kỹ sư Mỹ đã nghĩ đến điều "ngược đời" đó và kết quả thật ngoạn mục.
Tên gọi "Đường ray hình ống" (Tubular Rail) của dự án này thực ra chưa phản ánh đúng thực chất của vấn đề, vì nội dung của dự án đề cập đến một loại phương tiện vận chuyển đường sắt hoàn toàn không cần đến đường ray.
Thử hình dung, một toa xe rất dài, lao vun vút trên đường ray ở độ cao cách mặt đất 10-15 m giống như ở các công viên giải trí. Nếu bỏ đường ray đi, chúng ta có cái mà các tác giả Tubular Rail đề xuất. Nhưng như thế thì toa tàu tự bay trong không khí sao? Không phải thế. Đáy, trần và hai sườn của toa xe dựa chắc vào một khung bê tông ở trên đầu cột cao. Toa xe phải được làm bằng vật liệu siêu cứng và có độ dài gấp đôi khoảng cách giữa hai khung bê tông liền kề nhau. Toa xe không hề có bánh xe, vì bánh xe đã được gắn trong khung bê tông. Bánh xe chuyển động bằng động cơ điện, miết vào thành toa xe và "lùa" toa xe đi tới. Trên toa xe có thiết bị điều khiển từ xa, cho phép người lái tàu điều khiển công suất các động cơ điện của bánh xe để điều chỉnh tốc độ tàu nhanh chậm theo ý muốn. Thật là tiện lợi.
Ưu điểm của loại phương tiện này là chi phí xây dựng thấp, thấp hơn rất nhiều so với xây dựng đường sắt trên mặt đất, lại gần như không chiếm diện tích mặt đất và không phải đổ nền đường cao như đường sắt thông thường nên không phá hỏng cảnh quan khi đi trong thành phố hay xuyên qua khu dân cư. Thời gian thi công nhanh hơn gấp nhiều lần so với thi công đường sắt thông thường trên mặt đất. Mỗi cột trụ đỡ khung bê tông bên trên chiếm phần đất chỉ bằng một gốc cây trung bình và bản thân nó trông cũng từa tựa như một gốc cây. Khung bê tông bên trên trông giống như một kiến trúc bé xinh, không hề làm mất mỹ quan thành phố.
Về mặt kỹ thuật, nếu động cơ của một hoặc hai bánh xe trong một khuôn bê tông có bị hỏng hóc thì cũng gần như chẳng ảnh hưởng gì lắm đến chuyển động của toa xe. Ngoài ra, do toa xe không phải tải thêm bánh nên có thể tăng được tải trọng hữu ích. Mức tiêu hao năng lượng của loại phương tiện này cũng thấp hơn đáng kể so với tàu hoả thông thường. Trước khi áp dụng đại trà, các tác giả dự án đang vận động, tìm kiếm nguồn đầu tư để xây dựng các tuyến đường ngắn ở bang Texas, phục vụ việc đi lại từ thành phố lớn đến các thị trấn vệ tinh.