Tàu ISRO bất động vĩnh viễn ở Mặt trăng, Ấn Độ liền lên lịch cho vụ phóng chưa từng có

Chương trình không gian của Ấn Độ đang trở nên bận rộn hơn bao giờ hết sau thành công đi vào lịch sử của Chandrayaan-3.

Tàu Ấn Độ không còn hy vọng hồi sinh

Vài ngày sau khi Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cố gắng thiết lập liên lạc lại với tàu đổ bộ Vikram và tàu thám hiểm tự hành Pragyan chạy bằng năng lượng Mặt trời của sứ mệnh Chandrayaan-3, cựu Chủ tịch ISRO A.S. Kiran cho biết, sứ mệnh Mặt trăng thứ ba của Ấn Độ đã kết thúc, hãng thông tấn lớn nhất Ấn Độ PTI thông tin.

"Sẽ không còn hy vọng hồi sinh nữa. Nếu cả hai tàu Vikram và tàu Pragyan có thể "sống lại" được sau đêm trăng lạnh khắc nghiệt (từ -200 độ C đến -250 độ C) thì điều đó đáng lẽ phải xảy ra hôm 6/10 rồi. Hiện giờ đã hết hy vọng", ông A.S. Kiran nói vớiPTI.


Hình minh họa tàu thám hiểm tự hành Pragyan chạy bằng năng lượng Mặt trời nằm vĩnh viễn trong đêm trăng lạnh -250 độ C. (Ảnh: The Tribune).

Sau một tháng đầy sự kiện trên bề mặt Mặt trăng, cơ quan vũ trụ Ấn Độ đã bắt đầu nỗ lực thiết lập liên lạc với tàu đổ bộ và tàu thám hiểm của Chandrayaan-3 vào ngày 22/9. Tuy nhiên, cho đến nay, họ vẫn chưa nhận được tín hiệu nào từ bộ đôi con tàu này.

Bất chấp điều đó, sứ mệnh của Chandrayaan-3 đã thành công mỹ mãn.

ISRO cho biết, nếu bộ tàu của ISRO không thể "sống lại" thì cả hai sẽ nằm trên Mặt trăng với tư cách là "Đại sứ Mặt trăng của Ấn Độ".

Với Chandrayaan-3, Ấn Độ đã viết nên lịch sử vào ngày 23/8/2023 khi trở thành quốc gia đầu tiên đổ bộ gần cực nam Mặt trăng và thu được nhiều phát hiện khoa học đáng giá trên vệ tinh tự nhiên của Trái đất. Các sứ mệnh đổ bộ trước đó của Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc đều ở khu vực xích đạo.

Cựu chủ tịch ISRO nói rằng sự thành công của Chandrayaan-3 sẽ "mang lại lợi ích cho các sứ mệnh tiếp theo của Ấn Độ cả về kiến thức/kinh nghiệm lẫn về mặt lập kế hoạch cho các hoạt động cần thực hiện trong khu vực gần cực nam Mặt trăng.

Theo ông A.S. Kiran, có thể có khả năng ISRO sẽ thực hiện sứ mệnh đưa mẫu vật Mặt trăng về trái đất nghiên cứu, tuy nhiên, ông không đưa ra bất kỳ khung thời gian nào để thực hiện một nhiệm vụ kỳ công như vậy.

"Hoàng hôn" của Chandrayaan-3 là "bình minh" của Gaganyaan

Khi sứ mệnh Chandrayaan-3 chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn trên Mặt trăng cũng là lúc Ấn Độ mở ra buổi bình minh về chuyến bay vào vũ trụ của con người khi mới đây nhất ISRO đang bận rộn cho nỗ lực vũ trụ lớn khác: Gaganyaan, Indianexpress thông tin.

Sau thành công của Chandrayaan-3 và Aditya-L1 (sứ mệnh phóng tàu thăm dò Mặt trời ngày 2/9), ISRO hiện đang chuẩn bị thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên thuộc khuôn khổ sứ mệnh có phi hành đoàn đầu tiên của nước này mang tên Gaganyaan.

Cụ thể, ISRO cho biết, họ đang chuẩn bị phóng "Nhiệm vụ hủy bỏ phương tiện thử nghiệm chuyến bay-1 (TV-D1)" - đây là cuộc thử nghiệm chuyến bay không người lái (cho sứ mệnh Gaganyaan) nhằm chứng minh hiệu suất của hệ thống thoát hiểm khẩn cấp của phi hành đoàn.


Bản thiết kế module hoàn chỉnh của tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh Gaganyaan, gồm module dịch vụ và module có phi hành đoàn. (Nguồn: Britannica).

Theo thiết kế, module có phi hành đoàn CM của sứ mệnh Gaganyaan sẽ là nơi các phi hành gia sẽ ở lại trong suốt sứ mệnh với điều kiện áp suất giống như Trái đất.

ISRO cho biết, module TV-D1 sẽ giống như module có phi hành đoàn CM của Gaganyaan, nghĩa là có cùng kích thước và khối lượng tổng thể, cũng như chứa tất cả các hệ thống giảm tốc và phục hồi giống nhau. Chỉ khác một điều, phiên bản thử nghiệm này sẽ không có áp suất.

Gaganyaan là sứ mệnh phi hành đoàn đầu tiên của Ấn Độ. Chi phí của sứ mệnh Gaganyaan khoảng 90,23 tỷ rupee Ấn Độ (1,08 tỷ USD), Reuters thông tin.

Vào ngày 21/10/2023, ISRO sẽ phóng module trống TV-D1 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Ấn Độ trước khi đưa nó trở lại trái đất an toàn - ông Jitendra Singh, một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết hôm thứ Ba (11/10),Reuters thông tin. Hiện, module CM đã sẵn sàng để chuyển đến tổ hợp phóng.

ISRO cho biết module TV-D1 cũng sẽ thử nghiệm tính năng của nhiều thành phần khác của sứ mệnh Gaganyaan, bao gồm cả dù bay được thiết kế để ổn định và làm chậm tàu vũ trụ trong quá trình quay trở lại, cũng như "hệ thống dẫn động hỗ trợ phục hồi".

Hệ thống thoát hiểm của phi hành đoàn (CES) cũng sẽ được thử nghiệm trong quá trình thử nghiệm module TV-D1.

Theo Space, sứ mệnh Gaganyaan sẽ là nỗ lực của Ấn Độ nhằm phóng ít nhất 3 phi hành gia lên quỹ đạo trái đất tầm thấp (LEO) ở độ cao 400km trước cuối năm 2024 rồi sau đó đưa họ trở về một cách an toàn. Mốc thời gian cụ thể cho việc phóng vẫn chưa được ISRO công bố chính thức.


Thiết bị sẽ được sử dụng trong chuyến bay thử nghiệm của module TV-D1, nhằm phục vụ cho sứ mệnh có phi hành đoàn Gaganyaan vào cuối năm 2024. (Ảnh: ISRO).

Space tóm tắt cuộc trình diễn công nghệ và kỹ thuật ngày 21/10 của Ấn Độ sẽ diễn ra như sau:

Chuyến bay thử nghiệm của module TV-D1 sẽ mô phỏng tình huống hủy bỏ nhiệm vụ phóng lên quỹ đạo - khi tàu vũ trụ đang di chuyển ở tốc độ Mach 1.2 - dự kiến sẽ gặp phải trong sứ mệnh có phi hành đoàn Gaganyaan.

Sau đó, trình tự hủy bỏ sẽ được thực hiện một cách tự động, bắt đầu bằng việc tách Hệ thống thoát hiểm của phi hành đoàn (CES) và triển khai hàng loạt dù, cuối cùng là việc module TV-D1 hạ cánh an toàn xuống biển.

Khi quay trở lại trái đất, TV-D1 sẽ được đội lặn của Hải quân Ấn Độ trục vớt ở vịnh Bengal bằng tàu chuyên dụng.

Ông Jitendra Singh cho biết, sau khi chuyến bay thử nghiệm của module TV-D1 trống thành công, ISRO sẽ thực hiện một chuyến bay thử nghiệm khác, nhưng bên trong sẽ có robot. Robot tên Vyommitra sẽ có mặt như người, có tay, không có chân nhưng có thể nói như con người.

Mục đích của việc này nhằm thử nghiệm những tác động của áp suất lên cơ thể con người trong tình huống hủy bỏ nhiệm vụ khẩn cấp.

Cập nhật: 13/10/2023 Báo Giao Thông
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video