Tàu NASA sắp tiếp cận siêu bão rộng 16.000km trên sao Mộc

Tàu vũ trụ tỷ đô của NASA sẽ áp sát Chấm đỏ lớn, siêu bão càn quét suốt 350 năm trên sao Mộc.

Tàu Juno của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ bay trực tiếp qua Chấm đỏ lớn (Great Red Spot), cơn bão nổi tiếng với đường kính 16.000km trên sao Mộc vào hôm 10/7, theo Phys.org. Đây sẽ là lần quan sát cận cảnh đầu tiên của con người đối với cơn bão khổng lồ này.


Tàu Juno sắp ghé sát siêu bão nổi tiếng trên sao Mộc. (Ảnh: NASA).

Chấm đỏ lớn có thể đã tồn tại hơn 350 năm và được các nhà khoa học theo dõi từ năm 1830. "Chấm đỏ lớn bí ẩn trên sao Mộc có thể là đặc trưng nổi tiếng nhất của hành tinh", Scott Bolton, nhà khoa học chính trong dự án Juno ở Viện nghiên cứu Tây Nam tại San Antonio, Texas, Mỹ, cho biết.


Chấm đỏ lớn trên bề mặt sao Mộc. (Video: NASA).

"Cơn bão kỳ lạ đã càn quét hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời suốt nhiều thế kỷ. Giờ đây, Juno và các thiết bị quan sát xuyên mây trên tàu sẽ ghé sát để xem cơn bão vươn xa tới đâu, nó hoạt động như thế nào và điều gì khiến nó đặc biệt như vậy", Bolton nói.

Thu thập dữ liệu về Chấm đỏ lớn là một nhiệm vụ trong lần thứ 6 bay qua những đám mây bao phủ sao Mộc của tàu Juno. Tàu sẽ bay qua perijove (vị trí trên quỹ đạo gần trung tâm sao Mộc nhất) lúc 8h55 sáng ngày 11/7. Ở vị trí này, Juno sẽ cách tầng mây trên cùng của sao Mộc khoảng 3.540km. Sau 11 phút 33 giây, Juno sẽ vượt qua quãng đường 39.771km và ở ngay bên trên đám mây màu đỏ bao phủ Vệt đỏ lớn.


Âm thanh lạ từ sao Thổ khiến các nhà khoa học NASA bối rối. (Video: NASA).

Con tàu sẽ đi qua 9.000km bên trên những đám mây thuộc Vệt đỏ lớn. Cả 8 thiết bị trên tàu cùng máy chụp ảnh JunoCam đều bật trong lần bay qua này.

"Thành công trong thu thập dữ liệu khoa học về sao Mộc là một minh chứng cho tinh thần cống hiến, sáng tạo và kỹ thuật của đội Juno. Mỗi lần tiếp cận mới giúp chúng tôi tiến gần hơn tới trung tâm vành đai bức xạ của sao Mộc. Con tàu cũng tránh những cơn bão electron quanh sao Mộc tốt hơn so với hình dung của chúng tôi", Rick Nybakken, quản lý dự án Juno ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA tại Pasadena, California, chia sẻ.


Mô phỏng hành trình đâm vào sao Thổ của tàu vũ trụ Cassini. (Video:NASA).

Tàu vũ trụ Juno trị giá 1,1 tỷ USD khởi hành vào ngày 5/8/2011 từ căn cứ Cape Canaveral, Florida, Mỹ. Với sứ mệnh khám phá, Juno từng nhào xuống cực gần tầng mây trên cùng của sao Hỏa với khoảng cách 3.400km. Trong những lần bay qua trước đây, Juno đã thăm dò bên dưới lớp mây mù bao phủ sao Mộc và nghiên cứu cực quang để tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc, kết cấu, khí quyển và từ quyển hành tinh.

Những kết quả sơ bộ từ sứ mệnh Juno giúp các nhà khoa học NASA xác nhận hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời là một thế giới hỗn loạn với cấu trúc bên trong phức tạp, cực quang mang năng lượng và siêu bão ở vùng cực.

Cập nhật: 04/07/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video