Tàu thám hiểm Ấn Độ đưa bí ẩn về đất Mặt trăng ra ánh sáng

Tàu thám hiểm của sứ mệnh Chandrayaan-3 vừa có công giúp các nhà khoa học Ấn Độ biết thêm về đất Mặt trăng. Cụ thể là gì?

Bí ẩn Mặt trăng hé lộ

Liên quan đến sứ mệnh Chandrayaan-3 của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), tờ Business Today mới đây cho biết, Chandrayaan-3 đã đưa một bí ẩn về Mặt trăng ra ánh sáng: Các bánh xe của tàu thám hiểm Pragyan không để lại dấu vết rõ ràng trên bề mặt Mặt trăng.

Đáng ngạc nhiên, đây là tin tốt cho các nhà khoa học vì nó cung cấp những hiểu biết mới về các tính chất độc đáo của đất Mặt trăng ở vùng cực Nam.


Hình phục dựng dấu vết bánh xe của tàu thám hiểm Pragyan trên Mặt trăng. (Nguồn: ISRO).

Hiểu biết về đất của Mặt trăng là rất quan trọng vì cực Nam có thể trở thành một địa điểm quan trọng cho các sứ mệnh phi hành đoàn trong tương lai.

Sau khi xem xét bộ ảnh chụp vết bánh xe của tàu Pragyan trên Mặt trăng, Chủ tịch ISRO S. Somanath giải thích thêm rằng: "Đất Mặt trăng không có bụi mà bị vón cục. Điều này có nghĩa là có thứ gì đó đang kết dính đất. Chúng ta cần nghiên cứu xem thứ gì đang kết dính đất Mặt trăng".

Trước khi thực hiện sứ mệnh Chandrayaan-3, ISRO đã thực hiện thử nghiệm cho tàu thám hiểm Pragyan lăn bánh trên đất giống Mặt trăng (do ISRO tạo ra trong phòng thí nghiệm gọi là chất mô phỏng đất Mặt trăng hay LSS), và nhận thấy các dấu vết mà nó tạo ra rất rõ ràng, giống như dấu chân trên cát.

Nhưng khi Pragyan cố gắng tạo dấu vết trên bề mặt Mặt trăng thật, nó lại không hoạt động theo cách tương tự mà ISRO đã thử nghiệm. Những dấu vết nó để lại không rõ ràng; chúng khá lộn xộn.

Điều này cho chúng ta biết rằng đất của Mặt trăng khác với những gì ISRO mường tượng. Bí mật này mở ra nhiều điều độc đáo mà ISRO sẽ cần phải nghiên cứu thêm.

Ấn Độ không nguôi hy vọng

Đã vài ngày trôi qua kể từ khi Mặt trời quay trở lại Mặt trăng (hôm 21/9) nhưng Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) vẫn chưa liên lạc được với bộ đôi tàu vũ trụ Vikram và Pragyan của sứ mệnh Chandrayaan-3.

Kể từ khi được thiết lập chế độ ngủ vào ngày 2/9, đến nay Vikram và Pragyan vẫn chưa "thức giấc". Dù vậy, ISRO vẫn nỗ lực đánh thức 2 con tàu cho đến khi Mặt trời lặn tiếp theo vào ngày 6/10.


Tàu Vikram và Pragyan vẫn đang "ngủ sâu" dù Mặt trời đã quay trở lại Mặt trăng hôm 21/9/2023. (Nguồn: ISRO).

Các nhà khoa học vũ trụ của nước này nói với BBC rằng khả năng tàu đổ bộ Mặt trăng của Ấn Độ thức dậy sau một đêm Trăng lạnh giá đang "mờ dần theo từng giờ trôi qua". Nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục cố gắng liên lạc cho đến khi màn đêm kéo xuống một lần nữa.

N. M. Desai - Giám đốc Trung tâm ứng dụng không gian (SAC) thuộc ISRO tiết lộ rằng việc hồi sinh tàu đổ bộ và tàu thám hiểm là một quá trình tự động và không thể kích hoạt từ xa từ Trái đất.

Giám đốc SAC cho biết, cơ hội hồi sinh là 50/50. Thành công phụ thuộc vào sự tồn tại của các thiết bị điện tử của tàu vũ trụ trong nhiệt độ đóng băng của đêm Mặt trăng.

Song song với quá trình cố gắng kết nối liên lạc lại với Vikram và Pragyan, các kỹ sư mặt đất của ISRO vẫn miệt mài phân tích các dữ liệu mà hai tàu này đã gửi về Trái đất sau 1 ngày Trăng (bằng 14 ngày Trái đất) làm việc tại vệ tinh tự nhiên này.

Cựu chủ tịch ISRO K. Sivan tuyên bố rằng sứ mệnh Chandrayaan-3 vẫn chưa kết thúc vì các nhà khoa học vẫn còn rất nhiều dữ liệu cần xử lý và phân tích. Dự kiến, nhiều khám phá khoa học mới sẽ được công bố.


Ấn Độ đã làm nên lịch sử với sứ mệnh Chandrayaan-3 khi trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công tàu vũ trụ gần cực Nam Mặt trăng. (Nguồn: NDTV).

Nói chuyện với Times of India, ông K. Sivan - người từng chỉ đạo sứ mệnh Chandrayaan-2 năm 2029 với tư cách là chủ tịch cho biết: "Sứ mệnh của Vikram và Pragyan gần như đã hoàn tất vì bộ đôi được thiết kế để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ của mình chỉ trong 14 ngày Trái đất". 

Ông K. Sivan cho biết thêm rằng, nhiệt độ gần cực Nam của Mặt trăng có thể giảm xuống -200 độ C đến -250 độ C vào ban đêm.

Về dữ liệu từ Chandrayaan-3, cựu chủ tịch ISRO cho biết: "Đây là những dữ liệu quý giá. Việc phân tích dữ liệu mà chúng tôi nhận được từ tàu đổ bộ Vikram và tàu thám hiểm Pragyan vẫn chưa kết thúc. Các nhà khoa học chắc chắn sẽ tìm ra các khám phá khoa học mới từ dữ liệu này và công bố sớm nhất có thể". 


Thiết bị của Chandrayaan-1 tìm thấy một lượng nhỏ nước và hydroxyl (màu xanh) trên bề mặt Mặt trăng. (Ảnh: ISRO/NASA/JPL-Caltech/Brown Univ./USGS)

Mới đây, Times of India đưa tin rằng các nhà khoa học từ một trường đại học Mỹ đang nghiên cứu dữ liệu của sứ mệnh Chandrayaan-1 (2008-2009) và đã phát hiện ra rằng các electron năng lượng cao trong dải plasma của Trái đất đang góp phần vào quá trình phong hóa trên bề mặt Mặt trăng và các electron này có thể đã hỗ trợ sự hình thành nước trên bề mặt Mặt trăng.

Điều này cho thấy, dù đã 14 năm trôi qua kể từ sứ mệnh Chandrayaan-1, giới khoa học vẫn thu được những khám phá bất ngờ từ bộ dữ liệu mà tàu vũ trụ đã thực hiện và gửi về Trái đất.

NASA cho biết, Chandrayaan-1 là sứ mệnh không gian sâu đầu tiên của Ấn Độ (và chuyến đi đầu tiên tới Mặt trăng). Mục tiêu khoa học của Chandrayaan-1 bao gồm nghiên cứu lập bản đồ hóa học, khoáng vật học và quang địa chất của Mặt trăng.

Ấn Độ đã làm nên lịch sử với sứ mệnh Chandrayaan-3 khi trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công tàu vũ trụ gần cực Nam Mặt trăng (vào ngày 23/8/2023).

Cơ quan vũ trụ của nước này đã cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về các phát hiện của tàu đổ bộ Vikram và tàu thám hiểm Pragyan trên Mặt trăng. Các phát hiện quan trọng của bô đôi tàu Ấn Độ gồm: Phát hiện lưu huỳnh cùng nhiều "nguyên tố Trái đất" trên Mặt trăng; Đo nhiệt độ Mặt trăng; Bản thân tàu Vikram tự thực hiện thành công bước "nhảy vọt" trên Mặt trăng.

Cập nhật: 23/11/2024 Báo Giao Thông
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video