Tàu vũ trụ chở người sắp phóng của Boeing khác gì tàu SpaceX?

Trong khi tàu vũ trụ Starliner (Boeing) sẽ lần đầu chở người lên quỹ đạo vào tối 1/6, tàu Crew Dragon (SpaceX) đã vận chuyển phi hành gia nhiều năm qua.

Sau nhiều chậm trễ và trì hoãn, chuyến tàu có phi hành đoàn đầu tiên của tàu vũ trụ Starliner do Boeing phát triển cuối cùng cũng sẽ được phóng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Các phi hành gia NASA Butch Wilmore và Suni Williams đã đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida, hôm 28/5. NASA và Boeing dự kiến cho Starliner cất cánh lúc 23h25 ngày 1/6 (giờ Hà Nội). Con tàu sẽ bay lên quỹ đạo nhờ tên lửa Atlas V của United Launch Alliance, một liên doanh giữa Boeing và Lockheed Martin.


Tàu Crew Dragon của SpaceX cập bến trạm ISS (trái) và tàu Starliner của Boeing trên quỹ đạo trong chuyến bay thử nghiệm năm 2022 (phải). (Ảnh: NASA).

NASA tin vào sự thành công của Starliner, hướng tới việc có phương tiện thương mại thứ hai ngoài tàu Crew Dragon của SpaceX để vận chuyển phi hành đoàn lên trạm ISS. Starliner, được phát triển suốt nhiều năm qua, gặp phải nhiều vấn đề khiến nó tụt lại phía sau Crew Dragon - hiện là tàu duy nhất của Mỹ đưa phi hành gia bay lên vũ trụ sau khi chương trình tàu con thoi kết thúc hơn một thập kỷ trước.

Nếu vượt qua nhiệm vụ thử nghiệm cuối cùng hôm nay, Starliner, cùng với Crew Dragon, sẽ là phương tiện không gian chở người cho các nhiệm vụ của NASA. Vậy hai tàu vũ trụ này khác nhau như thế nào?

Tàu Starliner

Tàu vũ trụ của Boeing gồm một khoang chở người có thể tái sử dụng và một khoang thiết bị dùng một lần, được thiết kế cho các nhiệm vụ tới quỹ đạo Trái đất thấp.


Tàu Starliner đặt trên tên lửa Atlas V ở Cape Canaveral, bang Florida, trước nhiệm vụ thử nghiệm đầu tiên vào tháng 12/2019. (Ảnh: Joe Raedle).

Khoang chở người có đường kính 4,6 m, lớn hơn một chút so với module chỉ huy Apollo từng lên Mặt trăng và Crew Dragon, nhưng nhỏ hơn khoang chở người của tàu Orion trong chương trình Artemis, vốn được thiết kế để bay xa hơn vào không gian. Starliner có thể chở tối đa 7 người và ghép nối với trạm ISS trong tối đa 7 tháng. Nó có buồng lái truyền thống với các nút và công tắc vật lý, mang đến giao diện quen thuộc cho các phi hành gia.

Pin Mặt trời do công ty con Spectrolab của Boeing cung cấp được lắp đặt ở mặt sau khoang thiết bị, cung cấp 2,9 kW điện. Khoang thiết bị chứa 4 động cơ Rocketdyne RS-88 đốt nhiên liệu đẩy hypergolic, giúp thoát hiểm nếu xảy ra sự cố khi phóng. Starliner được thiết kế để vận chuyển tối đa 2.500 kg hàng hóa tăng áp suất và 1.500 kg hàng hóa không tăng áp suất.

Con tàu đã hoàn thành hai chuyến bay thử nghiệm không chở người: Thử nghiệm chuyến bay quỹ đạo 1 (OFT-1) và Thử nghiệm chuyến bay quỹ đạo 2 (OFT-2). OFT-1 diễn ra vào tháng 12/2019, gặp sự cố phần mềm khiến nó không thể ghép nối với trạm ISS. Tháng 5/2022, OFT-2 cập bến ISS thành công sau khi giải quyết vấn đề mòn van do những tương tác nitơ tetroxide.

Tàu Crew Dragon

Crew Dragon gồm một khoang chở người có thể tái sử dụng và một thùng chứa tích hợp, được thiết kế cho các nhiệm vụ bay tới quỹ đạo Trái đất thấp và xa hơn. Khoang chở người có đường kính 4 m, nhỏ hơn một chút so với khoang chở người của Starliner và Orion. Dragon có thể chở tối đa 7 phi hành gia và cập bến ISS tối đa 7 tháng, giống như Starliner.


Tàu Crew Dragon ghép nối với trạm ISS vào tháng 5/2021. (Ảnh: NASA).

Buồng lái trang bị màn hình cảm ứng hiện đại và một số nút điều khiển vật lý, cung cấp cho các phi hành gia một giao diện tiên tiến tương tự nội thất tối giản của xe điện Tesla. Các tấm pin Mặt trời gắn trên thùng chứa, cung cấp 5 kW điện. Con tàu trang bị 8 động cơ SuperDraco đốt nhiên liệu đẩy hypergolic, giúp phi hành gia thoát hiểm khi vụ phóng xảy ra trục trặc. Crew Dragon cũng được thiết kế để vận chuyển tối đa 6.000 kg hàng hóa kết hợp cả loại có tăng áp suất và không tăng áp suất.

Khác với Starliner, Crew Dragon đã thực hiện cả chuyến bay có và không có phi hành đoàn. Chuyến bay thử nghiệm không chở người đầu tiên, Demo-1, diễn ra vào tháng 3/2019 và cập bến trạm ISS thành công. Chuyến bay đầu tiên có phi hành đoàn, Demo-2, diễn ra vào tháng 5/2020, thành công đưa phi hành gia lên trạm ISS, đánh dấu vụ phóng quỹ đạo có phi hành đoàn đầu tiên từ Mỹ kể từ khi chương trình tàu con thoi kết thúc vào năm 2011.

Cập nhật: 04/06/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video