Sáng 5/7, thế giới khoa học có thêm một thành tựu rực rỡ mới đó là tàu vũ trụ Juno thành công đi vào quỹ đạo của Mộc Tinh giúp các nhà khoa học có cái nhìn rõ ràng hơn về hành tinh này.
Đúng 10h18 sáng 5/7, Juno thực hiện công đoạn quan trọng nhất của hành trình đó là đốt đi động cơ chính để giảm tốc độ xuống còn khoảng 2.000km/h. Sở dĩ Juno phải hạ vận tốc xuống mức này để bị lực hấp dẫn của Mộc Tinh hút vào và "rớt" vào quỹ đạo của hành tinh này.
Tàu Juno và Mộc Tinh - (Ảnh: NASA).
Quá trình đốt động cơ chính này kéo dài 35 phút. Sau khi đạt vận tốc mong muốn, Juno chỉ có 1,2 giây để lọt vào đúng một khoảng xác định chỉ rộng 10km. Nếu không hội đủ hai điều kiện nay, điều tệ hại nhất sẽ đến với Juno. Tàu vũ trụ này cạn kiệt năng lượng và chết.
Trong điều kiện ngặt nghèo như vậy, Juno còn phải "luồn lách" qua một "bãi mìn" là những điểm bức xạ cực mạnh xunh quanh Mộc Tinh. Những điểm bức xạ này có thể làm hư hỏng toàn bộ thiết bị lắp đặt trên tàu.
Đến 10h56, Juno chính thức "đáp" vào quỹ đạo của Mộc Tinh.
Juno là sản phẩm của NASA đầu tư và nhiệm vụ này trị giá 1 tỉ USD. Juno sử dụng năng lượng mặt trời, xuất phát từ Florida năm 2011 và đã bay trong không gian suốt 5 năm qua, "nuốt" đoạn đường 2,8 tỉ km.
Nếu Juno không đi vào được quỹ đạo của Mộc Tinh, bề mặt nhận năng lượng của tàu vũ trụ này không kịp quay về phía mặt trời do đó sẽ hết năng lượng và chết.
Video clip các nhà khoa học tại NASA vui mừng khi Juno "đáp" được vào Mộc Tinh.
Một khi vào được quỹ đạo của Mộc Tinh, Juno sẽ bay xung quanh 37 lần, cách bề mặt hành tinh 4.700km. Nhiệm vụ của Juno là chụp những bức ảnh kỹ thuật cao, đo trọng lực và lực từ trường tại hành tinh này.
Nhìn từ trái đất, Mộc Tinh có những đường sọc, do các cơn bão theo hướng đông - tây tạo ra. Các nhà khoa học cũng hi vọng Juno sẽ giúp hiểu hơn về các cơn bão trên Mộc Tinh.
Dấu vết của khí oxy tại Mộc Tinh, nguyên tố có trong thành phần nước, cũng là điều các nhà khoa học muốn biết. Một khi biết được lượng nước trên Mộc Tinh, sẽ xác định được thời điểm cũng như vị trí hình thành của hành tinh này trong hệ mặt trời. Từ đó hiểu hơn về hệ mặt trời.
Mộc Tinh.
Hình ảnh Mộc Tinh và các mặt trăng của nó do Juno chụp ở khoảng cách 6,8 triệu km - (Ảnh: REUTERS).
Ngay khi vào khí quyển của Mộc Tinh, Juno sẽ bay xung quanh hành tinh này theo quỹ đạo hình elipse trong 53 ngày. Sau đó, Juno sẽ đốt thêm một động cơ, để tiến gần hơn Mộc Tinh, và chỉ mất 14 ngày để bay quanh hành tinh này theo một quỹ đạo elipse nhỏ hơn ban đầu. Lúc này, nó mới bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ khoa học.
Một điều khác các nhà khoa học quan tâm tại Mộc Tinh là Điểm Đỏ Lớn - được cho là một cơn bão lưu cửu - nằm ở cực của hành tinh. Nhà khoa học Scott Bolton cho biết bí ẩn là tại sao cơn bão này lại lâu đến như vậy, nó có tuổi đời hàng trăm năm.
Dự kiến 27/8 là ngày đầu tiên Juno chụp được các hình ảnh cận cảnh của Mộc Tinh để gửi về trái đất. Cũng trong ngày này, NASA sẽ kích hoạt tất cả thiết bị khoa học trên Juno để lấy dữ liệu của Mộc Tinh.
Thân chính của Juno có đường kính 3,5m và dài 3,5m nhưng sải cánh dài đến 20m với mục đích nhận năng lượng mặt trời. Dự kiến camera của Juno sẽ bị hư trước khi Juno kết thúc nhiệm vụ vào đầu năm 2018 khi nó rớt vào Mộc Tinh. |
Mộc Tinh là hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời, với đường kính 139.822km, bằng 1/10 mặt trời và lớn gấp 11 lần trái đất.. Mộc Tinh có tổng cộng 7 "mặt trăng" vệ tinh. Mặt trăng lớn nhất của Mộc Tinh mang tên Ganymede, có đường kính 5.264km, lớn hơn cả Thủy Tinh. Cấu tạo của Mộc Tinh chủ yếu là khí hydro và heli với phần lõi đặc rất nhỏ, nặng gấp 300 lần trái đất. Mộc Tinh có cấu tạo gần giống với một ngôi sao hơn là một hành tinh. Bên ngoài Mộc Tinh là lớp khí hydro, tiếp đến là hydro nặng dạng lỏng rồi đến lõi. Tại Mộc Tinh, một ngày chỉ dài 10 giờ và một năm trên Mộc Tinh bằng 12 năm ở trái đất. Từ trái đất, bằng mắt thường có thể thấy Mộc Tinh và nếu dùng kính thiên văn, có thể thấy mặt trăng lớn nhất của hành tinh này. |