"Thấu kính hấp dẫn" giúp tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh

Các nhà nghiên cứu có thể phát hiện những điều kiện phù hợp với sự sống trên hệ sao gần Trái Đất nhất trong sự kiện thấu kính hấp dẫn hiếm gặp.

Sự kiện thấu kính hấp dẫn (gravitational lensing) diễn ra sau 12 năm nữa sẽ tạo cơ hội cho các nhà thiên văn quan sát và xác định "bản sao Trái Đất" Proxima b có những điều kiện phù hợp với sự sống hay không, theo The Sun.

Nhóm nghiên cứu ở Đài quan sát miền nam châu Âu (ESO) tại Chile dành nhiều năm thu thập dữ liệu đo đạc chính xác chuyển động của Alpha Centauri A và B, cặp sao xoay quanh nhau ở tốc độ cao. Những quan sát cho phép họ dự đoán chuyển động của hệ sao này trên bầu trời đến năm 2050.


Các nhà nghiên cứu dự đoán cặp sao Alpha Centauri A (màu cam) và B (màu đỏ) sẽ xếp thẳng hàng với S5 (ngôi sao sáng trắng ở góc trên bên trái) vào năm 2028. (Ảnh: ESO).

Theo các nhà nghiên cứu ESO, Alpha Centauri A sẽ di chuyển ngang qua phía trước một ngôi sao đỏ ở xa tên S5 năm 2028. Đây là cơ hội để những chuyên gia tìm kiếm hành tinh tận dụng hiệu ứng của thấu kính hấp dẫn. Hiện tượng này xảy ra khi ánh sáng từ một vật thể ở xa bị bẻ cong quanh ngôi sao do lực hấp dẫn, theo Thuyết tương đối tổng quát của nhà vật lý Albert Einstein.

Nếu các vật thể nằm thẳng hàng gần nhau, kính viễn vọng có thể thu lại hình ảnh "vòng tròn Eisntein", một vòng tròn ánh sáng từ nguồn ở xa, bao quanh mọi mặt của vật thể ở gần Trái Đất hơn.

"Vào tháng 5/2028, nhiều khả năng ánh sáng từ ngôi sao 5S sẽ tạo ra vòng tròn Einstein quanh Alpha Centauri A, có thể quan sát bằng hệ thống kính viễn vọng của ESO. Hiện tượng này sẽ cung cấp cơ hội độc đáo để tìm kiếm hành tinh hoặc vật thể khối lượng thấp trong hệ sao gần Trái Đất nhất", nhóm nghiên cứu ở ESO cho biết.

Những chệch hướng trong vòng tròn Einstein sẽ chỉ ra sự tồn tại của hành tinh quay quanh ngôi sao. Các nhà thiên văn hy vọng có thể tính toán khối lượng và nhiều đặc điểm khác của hành tinh ngoài hệ Mặt Trời. "Sự kiện này đặc biệt thú vị với phát hiện gần đây về hành tinh Proxima b quay quanh ngôi sao thứ ba Proxima Centauri cũng thuộc hệ sao Alpha Centauri", nhóm nghiên cứu ở ESO nhận xét.

Đầu tháng 10, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Vật lý thiên văn Marseille, Pháp, kết luận Proxima b là một trong những ứng cử viên tiềm năng nhất để tìm kiếm sự sống trong vũ trụ. Hành tinh đá được phát hiện hồi tháng 8 này nhiều khả năng có đại dương bao phủ toàn bộ bề mặt.

Proxima b nằm trong khu vực có thể sinh sống tính từ ngôi sao mẹ với nhiệt độ bề mặt phù hợp cho sự sống phát triển. Theo ước tính, hành tinh này lớn gấp 1,3 lần Trái Đất và cách hệ Mặt Trời 4,22 năm ánh sáng.

Cập nhật: 26/10/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video