Thế giới đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trung bình 3 lần chỉ trong 4 ngày, hằn sâu nỗi sợ hãi về những biến đổi sâu rộng hơn do tình trạng khẩn cấp khí hậu.
Dữ liệu không chính thức từ các nhà nghiên cứu Mỹ cho thấy nhiệt độ trung bình hàng ngày của thế giới đã tăng vọt lên 17,23 độ C vào ngày 6/7, vượt qua hai kỷ lục nhiệt được ghi nhận trong những ngày gần đây.
Thế giới liên tục ghi nhận kỷ lục nhiệt độ trong những ngày gần đây. (Ảnh: CNN).
Sự kiện thời tiết bất thường xảy ra ngay sau khi Cơ quan phụ trách biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu xác nhận Trái đất đã trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ mặt nước biển cao chưa từng có và lượng băng biển ở Nam Cực thấp kỷ lục.
Thực trạng này khiến các nhà khoa học khí hậu lo ngại sâu sắc. Gần đây, cơ quan thời tiết của Liên Hợp Quốc cảnh báo với sự kết hợp giữa lượng khí thải nhà kính ngày càng tăng và hiện tượng El Ninõ, những điều tồi tệ hơn vẫn còn phía trước.
“Kỷ lục nhiệt độ toàn cầu lại bị phá vỡ vào ngày hôm qua. Tôi sẽ nói chào mừng đến với tương lai - một tương lai nóng hơn nhiều”, ông Bill McGuire, giáo sư danh dự về các mối nguy địa vật lý và khí hậu tại Đại học College London, cho biết qua Twitter.
Nhiệt độ kỷ lục
Trong ba ngày 3-5/7, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã phá vỡ hoặc chạm ngưỡng kỷ lục kể từ ít nhất năm 1979, theo công cụ không chính thức của Đại học Maine dùng để đo nhiệt độ không khí toàn cầu ở độ cao 2 m trên mực nước biển.
Dữ liệu của Đại học Maine được ghi phép từ năm 1979 và thường được các nhà khoa học khí hậu sử dụng làm tham chiếu.
Cụ thể, nhiệt độ trung bình trên thế giới vào ngày 3/7 đã tăng lên 17 độ C, trong khi ngày 4/7 và 5/7 đều ghi nhận mức 17,2 độ C. Những con số này đại diện cho mức trung bình toàn cầu, bao gồm cả Bắc bán cầu và Nam bán cầu, nơi hiện là mùa đông.
Đây là lần đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt qua mức 17 độ C sau 44 năm - thời điểm dữ liệu bắt đầu được thu thập. Kỷ lục trước đó là 16,92 độ C vào tháng 8/2016.
Sóng nhiệt khắc nghiệt khiến nhiều người lo ngại. (Ảnh: AP).
“Nhiệt độ không khí toàn cầu cứ tiếp tục tăng lên!”, nhà nghiên cứu khí hậu Leon Simons cho biết qua Twitter, viện dẫn nhiều kỷ lục nhiệt trong tuần này.
Các chuyên gia cho biết đợt sóng nhiệt kéo dài 3 ngày có thể được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu, cũng như sự xuất hiện của El Ninõ. Khi El Ninõ xảy ra, bề mặt Thái Bình Dương trở nên ấm áp hơn bình thường, đặc biệt là ở đường xích đạo và dọc theo bờ biển Nam Mỹ, Trung Mỹ.
Nghiên cứu cho thấy El Ninõ có thể thay đổi điều kiện khí quyển, gia tăng các đợt nắng nóng trên khắp thế giới.
“Cần nhớ rằng Thái Bình Dương bao phủ gần một nửa hành tinh. Khi El Nino xảy ra, một phần rất lớn của hành tinh đang gây áp lực lên nhiệt độ trung bình toàn cầu", bà Kim Cobb, nhà khoa học khí hậu tại Viện Công nghệ Georgia, nói với Live Science.
Dẫu vậy, tháng 7 không phải là tháng duy nhất phá kỷ lục nhiệt. Theo Cơ quan phụ trách biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, tháng 6 vừa qua cũng là tháng 6 nóng nhất lịch sử với nhiệt độ trung bình cao hơn 0,2 độ C so với cùng kỳ năm trước.
“Tin tức đáng lo ngại cho hành tinh”
Trong tuần qua, các đợt nắng nóng nguy hiểm đã hoành hành nhiều bang miền Đông Nam nước Mỹ, cũng như Texas - nơi có ít nhất 13 người chết vì các bệnh liên quan đến nhiệt, theo CNBC.
Các nhà khoa học dự đoán sóng nhiệt trên biển liên quan đến El Ninõ có thể tàn phá quần thể cá và san hô, tương tự sự kiện tẩy trắng san hô lớn nhất toàn cầu vào năm 2016.
"Các kỷ lục nhiệt độ tiếp tục bị phá vỡ. Nhưng những yếu tố đi kèm mới thực sự gây ra mất mát", bà Cobb nói.
Thế giới có nguy cơ vượt giới hạn tăng nhiệt 1,5 độ C. (Ảnh: Reuters).
Theo báo cáo tháng 5 của Tổ chức Khí tượng Thế giới, đối mặt với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và El Nino, nhiều khả năng thế giới sẽ vượt giới hạn tăng nhiệt 1,5 độ C trong vòng 5 năm tới.
"Tùy thuộc vào mức độ của sự kiện lần này, tình trạng nóng lên hàng năm do phát thải nhiên liệu hóa thạch có thể sẽ càng thêm trầm trọng", vị chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, ông Chris Hewitt, Giám đốc cơ quan khí hậu của Tổ chức Khí tượng Thế giới, nhấn mạnh chúng ta đang ở trong “vùng lãnh thổ chưa từng được khám phá và có thể sẽ trải qua nhiều kỷ lục nhiệt khi El Nino phát triển hơn nữa”. Theo ông, những tác động này sẽ kéo dài đến năm 2024.
“Đây là tin tức đáng lo ngại cho hành tinh này”, ông nói.