Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia dân số học và sinh thái học chứng tỏ, nếu tất cả các cư dân trên thế giới sống theo tiêu chuẩn của người Mỹ như mức sống năm 2012 thì toàn bộ dân số trên hành tinh này sẽ phải cần đến 5 Trái Đất.
Dấu ấn sinh thái
Khái niệm "dấu ấn sinh thái" được tính theo diện tích bề mặt Trái Đất được sử dụng để đáp ứng nhu cầu của con người. Nếu năm 1900, "dấu ấn sinh thái" trung bình của người Mỹ vào khoảng 1ha bề mặt Trái Đất, thì hiện nay, con số đó là 9,6ha.
Nếu một người uống trung bình 5 ly cà phê mỗi ngày, thì gián tiếp sử dụng số lượng bề mặt Trái Đất nhiều hơn so với người chỉ uống 1 ly. Trước khi biến thành thức uống, cây cà phê đã phải được trồng ở đâu đó và hạt cà phê phải qua quá trình xử lý và chuyên chở. Quá trình này đã sản sinh ra rất nhiều khí thải... Theo cách tính đó, "dấu ấn sinh thái" của người ăn chay nhỏ hơn nhiều so với người ăn bình thường vì một tấn thức ăn nhận được từ thực vật chỉ cần 0,78ha để sản xuất so với 2,1ha đất để sản xuất một tấn thực phẩm chế biến từ thịt. Một người thường xuyên đi lại bằng lạc đà sẽ có "dấu ấn sinh thái" thấp hơn so với người đi xe ô tô và mua thực phẩm trong các siêu thị.
Vì thế, các nhà khoa học đã phải nghĩ tới chuyện di dân tới các hành tinh khác có sự sống trong vũ trụ và bước đầu tiên là lên Mặt Trăng.
Mặt Trăng là địa điểm lý tưởng để thực hiện các chuyến du hành
Kế hoạch khai phá Mặt Trăng
Theo nhận xét của ông Igor Mitrofanov, tiến sĩ khoa học toán lý, Trưởng phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, các nhà khoa học Nga đang thiết kế chế tạo máy thăm dò để lắp cho trạm thăm dò Mặt Trăng của Mỹ "Lunar Reconnaissance Orbiter" và sẽ được phóng lên vũ trụ. Mặt Trăng là vật thể vũ trụ duy nhất không chỉ được coi là đối tượng nghiên cứu khoa học mà còn là đối tượng khai thác tài nguyên. Nhờ khai phá Mặt Trăng, loài người sẽ đạt tới sự phát triển cao của nền văn minh mà không làm tổn hại môi trường tự nhiên trên Trái Đất.
Mặt Trăng còn là địa điểm lý tưởng để thực hiện các chuyến du hành tới các hành tinh khác trong vũ trụ. Các tàu vũ trụ một khi khởi động từ Mặt Trăng sẽ không cần phải thắng lực hút mạnh như trên Trái Đất và không phải vượt qua khí quyển dày đặc như xung quanh Trái Đất nên kết cấu tên lửa phóng sẽ đơn giản hơn. Cũng từ đây, loài người sẽ tiến đến chinh phục Sao Hỏa. Khoảng 30 - 40 năm nữa, thậm chí chỉ sau 20 năm, sẽ có thể có được các đài quan sát đặt trên Mặt Trăng. Sau 100 năm nữa, sẽ phát triển ngành công nghiệp trên Mặt Trăng và xây dựng sân bay vũ trụ trên Mặt Trăng để từ đó tiến xa hơn vào vũ trụ.
Theo hướng khai phá Mặt Trăng, một số nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản đã có dự kiến các mốc quan trọng. Theo kế hoạch của Mỹ, năm 2014 tàu vũ trụ con thoi mới sẽ hoàn thành chuyến bay đầu tiên lên Mặt Trăng: năm 2020: tàu vũ trụ thế hệ mới sẽ thường xuyên bay lên Mặt Trăng để xây dựng căn cứ đầu tiên trên hành tinh này trong thời gian 4 - 5 năm; năm 2024: căn cứ trên Mặt Trăng sẽ hoạt động và con người sẽ lên định cư tại đây. Tổng chi phí cho chương trình khai phá Mặt Trăng của Mỹ là trên 100 tỷ USD.
Theo kế hoạch của Nga, năm 2015 sẽ đưa vào sử dụng tàu con thoi sử dụng nhiều lần để chở hàng và sẽ xây dựng trạm thường trực trên Mặt Trăng; năm 2020 Nga bắt đầu phát triển ngành công nghiệp khai thác Mặt Trăng, trước hết là khai thác đồng vị quý hiếm Heli-3. Mục đích quá độ của Nga là biến Trạm vũ trụ quốc tế thành cảng vũ trụ để chuyên chở và xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng với sự tham gia của Trạm chở hàng giữa các quỹ đạo trên vũ trụ "Parom".
Nhật Bản và Trung Quốc dự kiến xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng vào khoảng năm 2020. Theo tính toán của các nhà khoa học Mỹ và Nga, trên Mặt Trăng có khoảng trên 500 triệu tấn Heli-3, đủ sản xuất năng lượng tổng hợp nhiệt hạch cho loài người trong hàng ngàn năm.