Thiên hà xoắn ốc rộng 80.000 năm ánh sáng

Kính viễn vọng không gian Hubble chụp ảnh độ phân giải cao thể hiện những nhánh xoắn ốc chứa hàng triệu ngôi sao của thiên hà NGC 2775.

Thiên hà NGC 2775 cách Trái đất 67 triệu năm ánh sáng, thuộc chòm sao Cancer (Cự Giải), Sci-News hôm 29/6 đưa tin. Thiên hà này do nhà thiên văn người Anh William Herschel phát hiện ngày 19/12/1783. Nó được phân loại là thiên hà xoắn ốc kết cụm. Hình dạng của loại thiên hà này trái ngược với thiên hà xoắn ốc hoàn mỹ, các nhánh xoắn ốc chia tách rõ ràng và dễ nhận biết.


Thiên hà NGC 2775 trong ảnh chụp của kính Hubble. (Ảnh: NASA/ESA).

Trong ảnh, các nhánh xoắn ốc của NGC 2775 chứa hàng triệu ngôi sao trẻ màu xanh lam đang phát sáng, nằm xen kẽ với những dải bụi tối màu.

Một điểm khác thường của thiên hà NGC 2775 là chỗ phình lớn. Hầu hết thiên hà xoắn ốc đều có chỗ phình ở trung tâm, nơi rất nhiều sao tụ tập. Ở các nhánh xoắn ốc, sao phân bố thưa thớt hơn. Các nhánh xoắn ốc cũng có xu hướng trải rộng trên một mặt phẳng trong khi chỗ phình sẽ nhô ra ở phía trên và dưới thiên hà.

Với NGC 2775, chỗ phình không chỉ lớn hơn bình thường mà còn tương đối rỗng, gần như không có sao mới hình thành. Chỗ phình chứa một lượng nhỏ khí. Theo các nhà khoa học, đây có thể là bằng chứng cho thấy trong quá khứ, nơi này từng xảy ra nhiều vụ nổ siêu tân tinh.

Kính viễn vọng không gian Hubble do NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vận hành. Hubble phóng lên không gian năm 1990, đến nay vẫn tiếp tục hoạt động.

Cập nhật: 02/07/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video