Cộng đồng thiên văn học tại Đại học Liên bang Immanuel Kant Baltic, Nga sử dụng hệ thống giả lập Astro-Model để xây dựng hình ảnh thiên thạch 3200 Phaethon đang tiến gần đến Trái Đất.
Ngày 17/12/2017, thiên thạch có tên 3200 Phaethon sẽ tiến gần đến Trái Đất. Đây là thiên thạch có kích thước tương đối lớn với đường kính 5km, thiên thạch này sẽ bay qua vị trí cách Trái Đất khoảng 10 triệu km, đây là khoảng cách gần theo tiêu chuẩn vũ trụ.
Mô phỏng thiên thạch tiến gần Trái đất. (Ảnh: CCO).
Thiên thạch này mang tên Phaethon bởi quỹ đạo của nó có điểm bay qua gần Mặt trời nhất khi so với tất cả các thiên thạch được đặt tên, chỉ 20 triệu km. Để so sánh, hành tinh gần Mặt trời nhất trong hệ Mặt trời là sao Thủy cách Mặt trời 46 triệu km.
Đồng hành với thiên thạch kể trên có một điều thú vị là mưa sao băng Geminids. Mưa sao băng này có cường độ lớn nhất vào ngày 13 và 14/12, với hơn 100 sao băng sẽ cháy sáng trên bầu trời và không gây ra bất cứ nguy hiểm nào cho Trái Đất.
Mưa sao băng Geminids diễn ra hàng năm khi thiên thạch Phaethon có quỹ đạo di chuyển gần Trái đất.
“Theo các chứng cứ, thiên thạch này trước đây là vật thể lớn, nhưng việc tiếp cận Mặt trời nhiều lần làm nó vỡ thành nhiều mảnh nhỏ hơn. Nếu điều này tiếp tục, thiên thạch này sẽ trở thành hạt nhân của sao chổi”, Alexei Baigashov, người đứng đầu Cộng đồng Thiên văn học tại Đại học Liên bang Immanuel Kant Baltic cho biết.