Một chuyên gia vận tải đồng thời là doanh nhân người Anh đã cho ra đời một thiết bị bay không người lái (UAV) "có thể ăn được" làm nhiệm vụ vận chuyển thực phẩm tới người dân vùng nạn.
UAV Pouncer được làm từ vật liệu nhựa dẻo chế từ tinh bột có thể ăn được. Anh Nigel Gifford - người sáng chế ra phương tiện cho biết một chiếc máy bay loại này vận chuyển đủ lượng thực phẩm cung cấp cho 80 người một ngày.
Pouncer có độ sải cánh dài 3m, phân chia thành nhiều khoang kín có thể chứa thức ăn, nước uống và vật phẩm y tế. Pouncer có thể được phóng từ một máy bay quân sự và hạ cánh xuống vùng ảnh hưởng chỉ sau vài giờ xảy ra thảm họa.
UAV Pouncer được làm từ vật liệu nhựa dẻo chế từ tinh bột có thể ăn được.
Một máy bay vận tải Hercules C-130 có thể chứa 90 chiếc UAV Pouncer. Khi được thả từ trên độ cao 3048 m, chúng có thể trượt trong quãng đường dài 35 km và chuyển các vật dụng thiết yếu hỗ trợ cho hơn 7.000 người bị nạn. Hệ thống định vị trong giúp phương tiện hạ cánh xuống cách mục tiêu xác định trong phạm vi 7m.
Trả lời tạp chí TIMES, anh Nigel Gifford chia sẻ: "Mô hình máy bay lấy ý tưởng từ bộ đồ bay của những người thích mạo hiểm nhảy dù. Bản thân tôi cũng là một người nhảy dù, và trước đó có kinh nghiệm đi tiếp tế cho người dân gặp nạn tại những vùng xung đột khi còn ở quân đội. Pouncer có lẽ rất phù hợp với thảm họa động đất Nepal 2015. Bạn có thể cho những chiếc UAV này hạ cánh xuống thung lũng và cung cấp thực phẩm cho những ngôi làng đang bị cô lập bởi thảm họa. Phương tiện này cũng giúp ích cho vùng chiến sự Aleppo".
Công ty Gifford cho biết dự án Pouncer đã thu hút được sự chú ý từ nhiều tổ chức y tế như Hội Chữ Thập Đỏ và Tổ chức Bác sĩ Không biên giới.
Trước đó, công ty này cũng thành công trong việc chế tạo máy bay không người lái Aquila và đã được Facebook mua lại trong năm 2014.
Mặc dù có độ sải cánh rộng ngang ngửa với kích cỡ sải cánh của máy bay chở khách, Aquila chỉ nặng 453 kg và có thể bay liên tục trong 90 ngày. Nhiệm vụ của thiết bị này là cung cấp mạng Internet cho người sử dụng dưới mặt đất.