Thiết kế tên lửa hạng nặng Trung Quốc trở về bằng thanh kẹp

Trung Quốc giới thiệu concept tên lửa tái sử dụng, trong đó tầng thứ nhất được thanh kẹp bắt lại khi trở về, tầng thứ hai hạ cánh thẳng đứng.


Mô phỏng cách tên lửa hai tầng tái sử dụng trở về Trái đất. (Video: Xinhua).

Tại Triển lãm Hàng không Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 15 diễn ra ngày 12 - 17/11 ở thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Viện Công nghệ Phương tiện Phóng Trung Quốc (CALT) hé lộ, các tên lửa hạng nặng tương lai của nước này sẽ có 3 loại cấu hình: ba tầng, hai tầng và hai tầng tái sử dụng hoàn toàn. Thiết kế của mẫu tái sử dụng đã được trưng bày tại triển lãm.

"Chúng tôi đã phát triển hệ thống thu hồi bằng vây lưới cho mẫu tên lửa tái sử dụng và đạt thành tựu đột phá trong hai năm qua khi hoàn thành một thử nghiệm thu hồi quy mô nhỏ trên biển", Wang Yue, phó giám đốc bộ phận hàng không vũ trụ của CALT, cho biết. Theo ông, tên lửa tái sử dụng đóng vai trò then chốt cho các nỗ lực không gian của Trung Quốc và cũng mang lại cơ hội mới cho sự phát triển toàn cầu của ngành không gian.

CALT dự định phát triển các module có thể dùng cho cả ba cấu hình tên lửa theo hai giai đoạn. Các module trong giai đoạn đầu bao gồm tầng thứ nhất dùng chung, tầng thứ hai không tái sử dụng và tầng thứ ba hoạt động bằng hydro-oxy. Chúng sẽ ráp lại thành loại tên lửa hạng nặng đường kính 10 m cơ bản, với sức chở ít nhất 100 tấn lên quỹ đạo Trái đất thấp và sức chở ít nhất 50 tấn lên quỹ đạo chuyển tiếp Mặt Trăng. Tên lửa ba tầng, với tốc độ và độ cao quỹ đạo lớn, phù hợp cho các nhiệm vụ không gian sâu như khám phá sao Hỏa hoặc tiểu hành tinh.


Thiết kế module cho phép từng phần tên lửa được phát triển, sản xuất, thử nghiệm độc lập.

Giai đoạn thứ hai, CALT sẽ phát triển tầng thứ hai đa thích ứng và chế tạo loại tên lửa hai tầng tái sử dụng hoàn toàn. Loại tên lửa này dự kiến giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả và quy mô vận chuyển không gian. Nó sẽ hướng đến các nhiệm vụ gần Trái đất, hỗ trợ mạng lưới vệ tinh và xây dựng hạ tầng.

Thiết kế module cho phép từng phần tên lửa được phát triển, sản xuất, thử nghiệm độc lập và kết hợp theo những yêu cầu nhiệm vụ khác nhau. Việc phát triển các module chung giúp đảm bảo rằng có thể sử dụng một số bộ phận và công nghệ chung cho những loại tên lửa khác nhau, giúp giảm chi phí và khó khăn trong bảo trì.

CALT cũng lưu ý, các tên lửa hạng nặng mới sẽ tích hợp nhiều hệ thống thông minh, vật liệu tiên tiến và công nghệ thân thiện với môi trường. "Công nghệ thông minh sẽ nâng cao độ tin cậy và an toàn bằng cách giám sát dữ liệu bay theo thời gian thực và dự đoán những vấn đề tiềm ẩn", Wang cho biết.

Cập nhật: 20/11/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video