Người ta không gọi năm con rồng là năm Long mà gọi là năm Thìn vì xét theo mười hai con giáp. Dù vậy, Thìn lại là cách gọi khác của con cá sấu.
Người ta không gọi năm con rồng là năm Long mà gọi là năm Thìn. Đây là cách gọi theo mười hai con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Nguyên nhân hiện tượng này, theo nhà nghiên cứu An Chi, là một sự vật, hiện tượng có thể có nhiều tên gọi khác nhau trong từng thời kỳ hoặc trường hợp. Ví dụ, cà rốt và củ cải đỏ đều chỉ cùng một loại củ, cá lóc và cá quả đều là tên của một loài cá…
Đặc biệt, chữ "Thìn" ở đây không phải từ chỉ trực tiếp con rồng mà lại là cách gọi khác của con thuồng luồng, tức con cá sấu. Ở một bài viết khác, nhà nghiên cứu này cũng chứng minh rằng con rồng thực ra là con cá sấu. Do trí tưởng tượng và tín ngưỡng dân gian thời xưa mà loài bò sát sống ở đầm lầy được “lên đời” thành biểu tượng của uy quyền và đế vương.
Tóm lại, ta có thể hiểu, “Thìn” là cách gọi khác của cá sấu. Trong khi đó, con rồng trong đời thực lại chính là cá sấu. Do vậy, “Thìn” cũng có thể hiểu là rồng.
Ngoài ra, chữ “Thìn” còn có một nghĩa cổ (đã mai một) khác là sấm. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, con rồng được xem là vị thần sinh ra mưa và sấm. Vì hai nguyên nhân này, Thìn được dùng để chỉ loài rồng trong mười hai con giáp.