Thịt nuôi cấy - Loại thịt không cần giết mổ động vật

Việc chăn nuôi và tiêu thụ hàng tỷ động vật mỗi năm góp phần gây ra khủng hoảng khí hậu, song các nhà khoa học đã phát triển một loại thịt không cần giết mổ.

Thịt nuôi cấy là thịt được nuôi trực tiếp từ tế bào động vật. Những sản phẩm này không thuần chay hay có nguồn gốc thực vật. Chúng vẫn là thịt nhưng được nuôi dưỡng không thông qua động vật”, Uma Valeti, giám đốc điều hành của Upside Foods, cho biết.

“Quá trình sản xuất thịt nuôi cấy tương tự sản xuất bia, nhưng thay vì phát triển men hoặc vi khuẩn, chúng tôi phát triển tế bào động vật”, ông Valeti giải thích với CNN qua email.

Các nhà khoa học bắt đầu quá trình nuôi cấy bằng cách lấy một mẫu tế bào nhỏ từ động vật như bò hoặc gà, sau đó xác định các tế bào có thể nhân lên.

“Chúng tôi đặt những tế bào này trong môi trường (lý tưởng), đồng thời cung cấp cho chúng chất dinh dưỡng thiết yếu để tái tạo một cách tự nhiên. Về bản chất, chúng ta có thể tái tạo các điều kiện tồn tại như bên trong cơ thể động vật”, ông cho hay.

Từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thịt nuôi cấy hay còn gọi là thịt không giết mổ đang được chuyển sang sản xuất tại một số cơ sở thương mại.

Ngoài việc giảm thiểu giết mổ động vật, loại thịt này cũng có thể góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính như carbon dioxide và metan, khi hệ thống thực phẩm chịu trách nhiệm cho khoảng 1/4 lượng khí thải nhà kính toàn cầu, trong đó hầu hết là từ nông nghiệp chăn nuôi.

Công nghệ không ngừng cải tiến

Tính đến nay, Singapore và Mỹ là hai quốc gia duy nhất phê duyệt thịt nuôi cấy từ tế bào cho người tiêu dùng. Ngành công nghiệp này mới phát triển khoảng 10 năm, do đó phải mất vài năm nữa loại thịt này mới được bán trên thị trường Mỹ và có thể mất tới 20 năm để thay thế một phần đáng kể hoặc toàn bộ thịt truyền thống, David Kaplan, giáo sư kỹ thuật y sinh Đại học Tufts, cho biết.

Theo ông Kaplan, công nghệ sản xuất thịt nuôi cấy dựa trên kỹ thuật nuôi cấy mô người trong phòng thí nghiệm.

Các nhà khoa học lấy mẫu tế bào từ mô động vật thông qua sinh thiết, phân lập tế bào từ trứng, thịt truyền thống hoặc từ ngân hàng tế bào. Phương pháp sinh thiết “giống như sinh thiết người. Về nguyên tắc, con vật sẽ ổn sau đó”, ông Kaplan nói.


Món burger bò nuôi cấy từ Mosa Meat - công ty công nghệ thực phẩm có trụ sở tại Hà Lan. (Ảnh: CNN/Redwan Farooq).

Bước thứ hai là xác định các chất dinh dưỡng - vitamin, khoáng chất và axit amin - để cung cấp cho tế bào.

“Các tế bào (phân lập) được ngâm trong dung dịch dinh dưỡng đựng trong một bình lớn bằng thép không gỉ với áp suất nhất định, nhằm tạo ra một môi trường cho phép các tế bào phát triển hiệu quả và an toàn”, ông Josh Tetrick, giám đốc điều hành công ty Eat Just chuyên sản xuất các sản phẩm thực vật thay thế trứng, cho biết.

Ông Tetrick nói thêm mẫu tế bào sẽ mất khoảng hai tuần để phát triển thành kích thước mong muốn. Tiếp đó, chúng được chuyển đổi thành thành phẩm, có thể là ức gà hay bánh mì kẹp thịt bò, bít tết.

“Điều thú vị là (chúng ta) có thể điều chỉnh kết cấu thịt, ông Kimbal Musk, đầu bếp và là chủ tịch điều hành Kitchen Restaurant Group, cho biết.

“Các loại thịt thay thế có thể quá xốp hoặc quá cứng. Thành thật mà nói, ngay cả thịt gà truyền thống cũng có thể như vậy. Nhưng với công nghệ này, (chúng ta) có thể điều chỉnh”, ông nói thêm.

Ông Musk chia sẻ lần đầu ông nấu món thịt này là khoảng hai năm trước. Đến sáng 2/6 tại hội nghị Life Itself, ông đã thử lại món ăn này. “Nó tốt hơn rất nhiều. Điều đó có nghĩa công nghệ đang không ngừng được cải tiến”, ông đánh giá.

Amy Chen, giám đốc điều hành của Upside Foods, cũng cho biết: “Ngành công nghiệp này đang tiến một bước gần hơn đến quá trình thương mại hóa”.

Giải pháp cho hàng loạt vấn đề?

“Cho dù là vì lợi ích của động vật, khí hậu, đa dạng sinh học hay an toàn thực phẩm, (có) rất nhiều lý do quan trọng để thay đổi cách chúng ta ăn thịt”, ông Tetrick nói.

Chỉ với một hoặc một vài động vật được lấy mẫu tế bào, thế giới sẽ không cần dành hàng trăm triệu mét vuông đất trồng thức ăn cung cấp cho vật nuôi.

“Nếu mọi thứ được thực hiện tốt, chúng ta chỉ cần một con vật trong lần sinh thiết đầu tiên”, ông Kaplan nói. “(Chúng ta) có thể ‘bất tử hóa’ những tế bào đó và giúp chúng sinh sôi mãi mãi”.

Ông Tetrick cũng cho biết một tế bào đơn lẻ có thể tạo ra hàng trăm tỷ kg thịt và “không có giới hạn”.


Bánh tartare thịt bò được làm bằng thịt nuôi cấy từ Mosa Meat. (Ảnh: CNN/Redwan Farooq).

Báo cáo năm 2022 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đánh giá thịt nuôi cấy là một công nghệ thực phẩm mới nổi có thể giúp giảm đáng kể lượng khí thải toàn cầu từ sản xuất lương thực, nhờ làm giảm lượng “nước, đất và chất dinh dưỡng” tiêu thụ.

Về vấn đề này, ông Kaplan cho biết câu hỏi thịt nuôi cấy có tiêu thụ ít nước hơn hay không vẫn còn gây tranh cãi và chưa thể có lời giải chính xác, “vì nông nghiệp tế bào cần rất nhiều nước”.

Song ông Tetrick nhận định việc giảm sử dụng đất đai và đại dương trong nông nghiệp có thể giúp bảo tồn đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thịt nuôi cấy không muốn sử dụng nhiều hoặc muốn loại bỏ hoàn toàn kháng sinh nên thịt nuôi cấy cũng có ít nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, ông Kaplan nói.

Thịt nuôi cấy cũng không cần hormone tăng trưởng tổng hợp - vấn đề gây tranh cãi về tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe con người, tuổi dậy thì và bệnh ung thư.

Hơn nữa, IPCC nhận định khi phát triển thịt nuôi cấy, con người sẽ ít cần tiếp xúc với động vật và môi trường sống của chúng hơn, giúp làm giảm nguy cơ lây lan virus từ động vật sang người.

Theo Liên Hợp Quốc, hai nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lây truyền từ động vật sang người như Covid-19 là nhu cầu ngày càng tăng đối với protein động vật và thâm canh nông nghiệp không bền vững.

Tuy nhiên, khả năng người tiêu dùng tiếp cận với loại thịt này vẫn còn bỏ ngỏ.

Sản phẩm này chỉ mới được FDA chấp thuận gần đây. Tháng 3/2019, FDA thông báo sẽ cùng Bộ Nông nghiệp Mỹ giám sát các sản phẩm sử dụng công nghệ nuôi cấy tế bào động vật nhằm đảm bảo các sản phẩm đưa ra thị trường “an toàn, không pha trộn và được dán nhãn trung thực”.

“Các cơ quan quản lý cần cân nhắc nhiều hơn về danh pháp, vì sản phẩm này vẫn là thịt. Giả sử nếu ai đó bị dị ứng với thịt hoặc cá, họ nên biết đây là thịt thật. Do đó, (sản phẩm này) sẽ được gọi là thịt, nhưng chúng tôi cần cân nhắc thêm về từ ngữ đi kèm”, ông Valeti nói.

Trong khi đó, Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng nhấn mạnh “cần phải hiểu rõ hơn về ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của các thịt và gia cầm nuôi cấy”. “Cũng có rất ít thông tin về mật độ dinh dưỡng của các sản phẩm này”, họ cho biết.

Tuy nhiên, nếu thịt nuôi cấy vượt qua các tiêu chuẩn quan trọng, “đó sẽ là một thành tích tuyệt vời khi mọi người có thể ăn loại thịt họ thích mà không cần giết mổ (động vật)", ông Valeti nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn.

Cập nhật: 11/03/2023 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video