Thỏ vằn chỉ mới được phát hiện khoảng chục năm nay. Chúng chỉ có ở Việt Nam, Lào. Theo phỏng đoán, hiện chỉ còn từ 100-200 con ngoài tự nhiên.
“Thỏ vằn (tên khoa học là Nesolagus Timminsi) là một trong hai loài thỏ duy nhất có sọc. Đây là loài thú cổ còn sót lại”, TS Phạm Trọng Ảnh, phòng Động vật học có xương sống, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện KH-CN Việt Nam), cho biết.
Báo động đỏ
Thỏ vằn được các nhà khoa học Nga tìm thấy tại Lào năm 1996 và đến năm 2000 tiếp tục tìm thấy chúng ở Việt Nam ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và Pù Mát (Nghệ An). Kết quả đề tài “Nghiên cứu thỏ vằn Việt Nam” mới đây nhất của nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật cho thấy thỏ vằn là loài đặc hữu chỉ có ở Lào và Việt Nam. Trong nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã thu thập một số vật mẫu, chụp ảnh và các thông tin khác về sự có mặt của thỏ vằn ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và có thể có ở bắc Thừa Thiên-Huế.
Một số con thỏ vằn...
“Trong quá trình điều tra, chúng tôi cũng gặp một số con thỏ vằn bị dính bẫy của người dân, bởi chúng khu trú ở rìa rừng. Điều đó đã làm suy giảm nghiêm trọng quần thể của loài thỏ quý hiếm này. Thế nhưng, cho đến nay chưa có công trình nào lớn nghiên cứu đầy đủ về thỏ vằn. Do đó, chưa đánh giá được hiện trạng của loài này còn bao nhiêu cá thể. Ước lượng chỉ còn có khoảng 100-200 cá thể”, TS Ảnh nói.
TS Đặng Tất Thế, phòng Hệ thống học phân tử và di truyền bảo tồn, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, thỏ là loài nổi tiếng về khả năng sinh sản nhanh, chúng đạt đến tuổi trưởng thành sớm và đẻ thường xuyên. Thế nhưng, chưa rõ vì sao loài thỏ vằn này lại ngược lại, chỉ có quần thể rất nhỏ, nhỏ về mặt số lượng, nhỏ về mặt phân bố và đẩy loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng mà chưa có sự lý giải thỏa đáng. “Việc thiếu các đề tài nghiên cứu chi tiết, cụ thể không chỉ đối với loài này mà còn nhiều loài quý hiếm khác là vấn đề báo động trong công tác bảo tồn loài hiện nay”, TS Thế cho biết thêm.
Khó bảo tồn
Đề tài “Nghiên cứu thỏ vằn Việt Nam” của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật được xem là công trình duy nhất nghiên cứu về loài này. Tuy nhiên, nội dung chỉ mới mang tính chất phát hiện, mô tả và công bố loài mới chứ chưa nghiên cứu sâu.
Theo các nhà khoa học, không chỉ loài thỏ vằn mà nhiều loài động vật mới khác như thỏ nâu, chuột đá, ếch nhái, chim… còn thiếu rất nhiều dẫn liệu khoa học về đặc điểm sinh học, sinh thái, quần thể loài và đặc biệt là thiếu các dự án bảo tồn. Việc thiếu các dự án bảo tồn đã đẩy nhiều loài, đặc biệt là các loài động, thực vật quý hiếm trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng do bị săn bắn thường xuyên và mất môi trường sinh sống tự nhiên.
...trúng bẫy của người dân (Ảnh: Phạm Trọng Ảnh)
“Có một thực tế là các đề tài nghiên cứu sâu hơn chỉ dành cho những loài có ý nghĩa cực lớn, ngoài ý nghĩa khoa học chúng còn có ý nghĩa thực tiễn cao như làm thuốc, làm thực phẩm và được dư luận đặc biệt quan tâm, chứ một con thỏ thì việc đề xuất đề tài để được chấp nhận đầu tư kinh phí là khó có thể khả thi”, TS Ảnh tâm sự.
GS.TSKH Vũ Quang Côn, Phó chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam nhận định: “Tại nhiều nước trên thế giới, khi phát hiện ra một loài mới thì đều có các công trình nghiên cứu chuyên sâu phục vụ khoa học, kể cả những loài côn trùng nhỏ bé nhất… Điều đó đã khuyến khích các nhà khoa học say mê nghiên cứu và thúc đẩy nền khoa học phát triển”.