Thử nghiệm thành công vắc-xin chống ký sinh trùng Amip

Các nhà khoa học Canada vừa thử nghiệm trên chuột loại vắc-xin đầu tiên chống Amoeba, loại ký sinh trùng đường ruột gây bệnh cho 10% dân số thế giới và gây tử vong cho 100.000 người mỗi năm. Loại vắc-xin vừa được thử nghiệm được xem là mở ra niềm hy vọng cứu sống hàng triệu trẻ em ở các nước đang phát triển.

Theo tiến sĩ Kris Chadee, trưởng nhóm nghiên cứu, vắc-xin ngừa Amoeba, tức Amip (tên khoa học là Entamoeba histolytica), là một bước đột phá lớn lao, bởi vì hiện nay “không có một loại vắc-xin nào để chống lại ký sinh trùng này”.

Hiệu quả 100%

Nếu được tài trợ, nhóm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin này trên con người trong vòng 5 năm nữa. Ảnh: Một bệnh nhân đang bị áp-xe gan do Amoeba (Ảnh: medinfo.ufl.edu)

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một loại protein có trên bề mặt của Amip để bào chế vắc-xin. Loại protein này có tác dụng kích thích hệ miễn dịch. Ông Chadee cho biết: “Chúng tôi đã thử nghiệm thành công vắc-xin này trên một loài động vật đầu tiên”.

Vắc-xin được dùng bằng cách xịt vào mũi – một phương thức mới, không xâm lấn và rất công hiệu. Vắc-xin này có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại ký sinh trùng Amip.

Tiến sĩ Chadee và các cộng sự tại trường Đại học Calgary đã thử nghiệm vắc-xin này trên chuột nhảy. Kết quả cho thấy vắc-xin này đạt hiệu quả 100% trong việc ngăn chặn Amip tấn công ruột và các cơ quan khác.

Trong một báo cáo, nhóm nghiên cứu cho biết tất cả các con chuột được phòng bệnh bằng vắc-xin này đều duy trì tình trạng khỏe mạnh, không bị ảnh hưởng bởi Amip, trong khi những con chuột không được bảo vệ bởi vắc-xin này thì đã bị áp-xe.

Entamoeba histolytica thuộc nhóm đơn bào có chân giả, và là ký sinh trùng duy nhất trong nhóm này gây bệnh cho người, Khi nói “bệnh do nhiễm Amip” là nói đến bệnh do ký sinh trùng này gây ra. Chúng gây bệnh ở đường ruột, gan và phổi.

Ông Chadee nói: “Khi Amip xâm nhập vào ruột, chúng sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, gây tiêu chảy có lẫn máu, làm cơ thể mất nước và trong một số trường hợp, sẽ gây áp-xe gan rất nguy hiểm”.

Theo ông Chadee, Entamoeba histolytica lây lan qua phân, nước và thực phẩm nhiễm bẩn. Loại Amip này được tìm thấy ở đa số các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Mexico, Bangladesh, India và các nước ở khu vực Nam Phi. Nó cũng “chu du” đến cả Bắc Mỹ và và châu Âu qua các ký chủ là khách du lịch và người nhập cư.

Cần được tài trợ để thử nghiệm trên người

Ông nói: “Nhiều trẻ em đang bị nhiễm Amip và đang tử vong hàng năm, trong khi thuốc Flagel trị bệnh này thì vừa đắt tiền vừa lại khó dung nạp ở hầu hết bệnh nhân”.

Ký sinh trùng Entamoeba histolytica gây bệnh ở ruột, gan và phổi. (Ảnh: Umanitoba.ca)

Ông Chadee cho biết bước kế tiếp là thử nghiệm vắc xin trên một loài động vật linh trưởng. Nếu được tài trợ bởi các công ty dược phẩm hay một tổ chức nào đó, “chúng tôi có thể thực hiện thử nghiệm lâm sàng trên con người trong vòng 5 năm nữa”.

Là một giáo sư vi trùng học và bệnh truyền nhiễm, ông Chadee hy vọng rằng loại vắc-xin đầu tiên này, một khi đã được phát triển thành công, sẽ được cung cấp cho trẻ em và người nghèo ở các nước đang phát triển, cũng như cho những khu vực có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng Amip cao nhất.

Nhưng theo ông, “để thực hiện được điều đó là cả một vấn đề khó khăn, bởi vì ngành công nghiệp dược phẩm ở Bắc Mỹ và châu Âu không dễ gì theo đuổi mục đích đó, trừ khi việc làm đó mang lại lợi nhuận cho họ”.

Ông Chadee hy vọng có được sự hỗ trợ của một tổ chức từ thiện nào đó để có thể phát triển thành công loại vắc-xin này – một loại vắc-xin đầy tiềm năng trong việc bảo vệ sức khỏe con người.

Quang Thịnh

Theo AFP, Vancouver Sun, VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video