Độ nghiêng trục lên tới 98 độ của sao Thiên Vương có thể do va chạm với hành tinh có khối lượng gấp đôi Trái Đất 4 tỷ năm trước.
Tất cả hành tinh trong hệ Mặt Trời đều nghiêng về cùng một phía, trừ sao Thiên Vương. Trục bắc - nam của hành tinh màu lục lam nghiêng 98 độ so với mặt phẳng quỹ đạo của Mặt Trời, theo Science Alert. Các nhà thiên văn suy đoán trong quá khứ xa xưa, sao Thiên Vương đã va chạm với một hành tinh lớn gấp đôi Trái Đất và kết quả là bị nghiêng hẳn về một bên trong nghiên cứu xuất bản hôm 2/7 trên tạp chí Astrophysical Journal.
Có khả năng sao Thiên Vương trẻ va chạm với một vật thể có khối lượng gấp đôi Trái Đất khiến nó bị nghiêng về một bên.
Nhóm nghiên cứu sử dụng mô phỏng trên máy tính, cho các vật thể có kích thước khác nhau đâm vào mô hình sao Thiên Vương và quan sát tác động. "Chúng tôi chạy hơn 50 tình huống va chạm khác nhau, sử dụng siêu máy tính công suất cao để xem liệu có thể tái tạo những điều kiện định hình quá trình tiến hóa của hành tinh hay không. Phát hiện của chúng tôi xác nhận tình huống nhiều khả năng xảy ra nhất là sao Thiên Vương trẻ va chạm với một vật thể có khối lượng gấp đôi Trái Đất", nhà vật lý Jacob Kegerreis ở Đại học Durham, Anh, cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu, sự kiện va chạm xảy ra cách đây 4 tỷ năm, trong thời kỳ sơ khai của hệ Mặt Trời. Vụ va chạm có thể giúp lý giải một số điều kỳ lạ khác về sao Thiên Vương như vòng xích đạo mỏng manh và hệ thống mặt trăng quay cùng hướng với các thiên thể lân cận của nó.
Nếu vụ nổ xảy ra chớp nhoáng, tác động vẫn đủ khiến sao Thiên Vương nghiêng về một bên mà không mất đi khí quyển, đồng thời phun mưa vật chất vào quỹ đạo. Vụ va chạm cũng có thể tạo ra băng chảy và đá bên trong hành tinh. Điều này góp phần giải thích tại sao sao Thiên Vương có từ trường khác thường, vừa bất đối xứng vừa nghiêng 60 độ so với trục.
Mô phỏng vụ va chạm giữa sao Thiên Vương và hành tinh lớn gấp đôi Trái Đất về khối lượng. (Video: Astrophysical Journal).