Thuật khinh công trên mặt nước dưới góc nhìn khoa học

Đi trên mặt nước đòi hỏi tốc độ chạy nằm ngoài giới hạn của con người nếu không có các công cụ hỗ trợ.

Mạng xã hội Trung Quốc gần đây lưu truyền video màn biểu diễn "khinh công" trên mặt nước của võ tăng Thích Lý Lượng. Trong đoạn video được quay từ năm 2015, võ tăng này chạy được 125 mét trên mặt hồ bằng cách đạp vào những tấm gỗ nối với nhau.

Màn biểu diễn của Thích Lý Lượng đã gây tranh cãi trong cộng đồng mạng Trung Quốc, khi nhiều người cho rằng kỹ thuật "khinh công" này chỉ là lừa đảo, bởi con người không có khả năng di chuyển trên mặt nước.


Màn biểu diễn đi trên mặt nước của võ tăng Thích Lý Lượng.

Một số vận động viên châu Âu từng thể hiện khả năng di chuyển trên mặt nước trong video mang tên "Liquid Mountaineering" thu hút gần 20 triệu lượt xem từ khi đăng trên YouTube vào tháng 4/2010, theo Popular Mechanics. Trong video, Hi-Tech Sports tuyên bố những đôi giày chống thấm đặc biệt cho phép người sử dụng lướt đi trên mặt nước.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng việc con người lướt đi trên mặt hồ chỉ bằng đôi giày không thấm nước chỉ là chiêu trò lừa đảo để thu hút khán giả.

Theo các nhà khoa học, diện tích tiếp xúc của vật thể với mặt nước càng lớn thì trọng lượng riêng của nó càng nhỏ. Nếu trọng lượng riêng nhỏ hơn sức căng bề mặt của mặt nước, vật thể sẽ không bị chìm nghỉm. Theo tính toán, để có thể chạy đi trên mặt nước như vậy, các vận động viên châu Âu phải có đôi giày to đến phi lý.


Cao thủ Thiếu Lâm biểu diễn khinh công đi trên mặt nước.

Công ty Hi-Tech Sports sau đó thừa nhận đã dàn dựng video gây sốt và cho biết hiệu ứng trên được tạo ra nhờ một cây cầu dưới mặt nước.

Trong trường hợp của võ sư Thích Lý Lượng, để không bị chìm khi lướt trên mặt nước, ông phải tạo ra một phản lực cân bằng với trọng lượng của mình, bằng cách đẩy nước về phía sau và xuống dưới sâu sau mỗi bước chân.

Theo tính toán, đối với một người đàn ông mang giày cỡ 42, lượng nước tối thiểu mà anh ta cần đẩy sau mỗi cú đạp chân để không bị chìm là 3,5kg, theo Science Focus.

Nếu người này nặng 75kg và mỗi bước chân đẩy được 3,5kg nước, anh ta sẽ di chuyển với tốc độ 11m/s, tương đương khoảng 40km/h trên mặt nước.

Tuy nhiên, khi đẩy nước đi, người di chuyển sẽ chịu phản lực của nước. Do đó, người chạy phải đạt tốc độ nhanh gấp đôi mới tiến lên được. Như vậy, tốc độ anh ta cần đạt được là 80km/h, gần bằng tốc độ tàu hỏa, chưa tính ma sát và độ nhớt của chất lỏng sẽ làm chậm chuyển động.


Các nhà làm phim thừa nhận dàn dựng video lướt đi trên mặt nước.

Việc chạy trên nước theo đường cong cũng không giúp chống đỡ trọng lượng. "Tuy nhiên, nếu họ có thể chạy đủ nhanh, mỗi lần bàn chân đạp lên mặt nước sẽ cung cấp một lực quán tính. Nếu rút chân đủ nhanh trước khi chìm xuống, người di chuyển có thể tiếp tục với chân kia. Đó là cách chạy trên mặt nước của thằn lằn Jesus", John Bush, giáo sư toán ứng dụng ở Viện Công nghệ Massachusetts, nói.

Theo J.W. Glasheen và T.A. McMahon, hai nhà sinh vật học ở Đại học Harvard từng nghiên cứu cách thằn lằn Jesus chạy trên mặt nước, để bắt chước loài thằn lằn này, con người sẽ phải chạy gần 30m/s, tốc độ vượt quá khả năng của con người. Vận động viên nhanh nhất thế giới Usain Bolt cũng mới chỉ đạt vận tốc 10,4m/s.

Theo Bush, việc chạy trên mặt nước chỉ có thể khả thi nếu có sự trợ giúp của các thiết bị và công cụ, chẳng hạn như các tấm ván gỗ, cộng với khả năng rèn luyện trong thời gian dài của con người.

Cập nhật: 14/06/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video