Nhiều trang mạng xã hội và cả một số trang báo ở Việt Nam chia sẻ thông tin về một buổi hòa nhạc do ca sỹ robot trình diễn tại Thung lũng Silicon, Mỹ, được quảng bá là "cháy vé".
Vừa qua, mạng xã hội Facebook đã lan truyền những tin tức về một buổi hòa nhạc đặc biệt của một ca sĩ robot, sản phẩm của công ty khởi nghiệp TechFusion Dynamics. Buổi hòa nhạc được cho là tổ chức tại Thung lũng Silicon của Mỹ và đã cháy vé. Một số trang báo của Việt Nam cũng đăng tải thông tin về “sự kiện đặc biệt” này.
Tuy nhiên, trang Factcheck.uz đã xem xét kỹ lưỡng các chi tiết và chỉ ra rằng tin tức nói trên là giả mạo, vì thực tế không hề có buổi hòa nhạc như vậy.
Factcheck khẳng định không hề có buổi hòa nhạc của ca sỹ robot trên thực tế. (Nguồn: Factcheck.uz).
Theo những thông tin lan truyền trước đó, rất đông khán giả đã đến xem màn trình diễn được tổ chức tại sân vận động ở Thung lũng Silicon và ca sỹ robot đã thể hiện khả năng thanh nhạc, ứng biến ấn tượng trên sân khấu.
Thông tin giả cũng nêu một số tuyên bố từ những người nổi tiếng như Leonardo DiCaprio và Mark Zuckerberg, bên cạnh vài chuyên gia trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI). Nhưng hoạt động kiểm chứng cho thấy không ai trong số họ từng tham dự một buổi hòa nhạc do ca sỹ robot nói trên thực hiện, hoặc đưa ra tuyên bố tương tự.
“Tin tức hoàn toàn bịa đặt và người dùng là nạn nhân của thông tin giả mạo” - Factcheck.uz khẳng định.
Theo Factcheck.uz, TechFusion Dynamics là một công ty hư cấu không tồn tại trên thực tế. Không có bằng chứng nào ở ngoài đời về công ty này và những thành tựu của nó.
Được biết, bản tin giả cho rằng ca sĩ robot sử dụng chip Apple M3 Pro để tạo ra âm nhạc theo thời gian thực. Nhưng thông tin này không đúng sự thật, bởi chip M3 không được thiết kế cho những nhiệm vụ như vậy.
Buổi hòa nhạc được cho là được tổ chức ở Thung lũng Silicon, nhưng hoạt động kiểm chứng thấy rằng không có sân vận động nào tổ chức một sự kiện như vậy.
Theo Factcheck.uz, thông tin về “buổi biểu diễn do ca sỹ robot của TechFusion Dynamics thực hiện” cho thấy tin giả có thể lan truyền nhanh chóng và đánh lừa mọi người dễ dàng như thế nào.
“Điều quan trọng là [độc giả] phải cẩn thận và đánh giá thông tin một cách nghiêm túc để không mắc phải thủ đoạn của những kẻ đưa tin sai và góp phần lan truyền tin tức sai sự thật” - Factcheck.uz bình luận.