Có lẽ chưa lúc nào, vấn đề thực phẩm biến đổi gene lại nóng như hiện nay, nhất là khi vẫn luôn có những ý kiến tranh cãi trái chiều về ảnh hưởng của loại thực phẩm này đối với sức khỏe con người.
Thực phẩm biến đổi gene (tiếng Anh: Genetically Modified Organism, gọi tắt là GMO) được dùng để chỉ các loại thực phẩm có thành phần từ cây trồng, động vật được biến đổi gene.
Để tạo ra GMO, người ta có thể cấy thêm hoặc bỏ bớt gene trong hệ thống gene của sinh vật. Thông thường, người ta thường chọn gene của một loài khác để thêm vào bộ gene của một loài.
Điều này được thực hiện với mong muốn rằng những sinh vật có bộ gene mới sẽ mang ưu điểm của cả 2 loài. Đây là quá trình tạo ra các cá thể hoàn toàn dị biệt với sự phát triển tự nhiên.
GMO được chia thành 2 loại chính: Những cây trồng chống chịu được thuốc diệt cỏ: người trồng có thể phun thuốc diệt cỏ mà không làm hại cây trồng và những cây trồng tự sinh ra chất độc để diệt trừ côn trùng, sâu hại.
Những loại thực phẩm biến đổi gene GMO hiện đang rất phổ biến trong nông nghiệp trên thế giới.
Các công ty công nghệ sinh học như Monsanto (Mỹ) và Syngenta (Thụy Sĩ) tạo ra các giống GMO cho rằng những cây trồng biến đổi gene mang lại năng suất cao hơn vì chúng có thể chịu được thuốc diệt cỏ hoặc chống chọi với sâu bệnh và côn trùng.
Những loại thực phẩm biến đổi gene GMO hiện đang rất phổ biến trong nông nghiệp trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu. Và loại thực phẩm phổ biến nhất được kể đến đó chính là ngô và đậu nành biến đổi gene.
Ở Việt Nam, các loại thực phẩm biến đổi gene đang tràn ngập thị trường cả đường chính ngạch lẫn trôi nổi. Lượng nhập khẩu đậu nành, ngô... từ các thị trường có diện tích cây trồng biến đổi gene lớn như Bắc Mỹ, châu Âu mỗi năm đều rất lớn. Hầu hết, các sản phẩm này phục vụ cho chăn nuôi và gieo trồng nông nghiệp.
Từ 8/1/2016, thực phẩm biến đổi gene được đóng gói sẵn bắt buộc phải dán nhãn ghi rõ "biến đổi gene" bằng tiếng Việt. Theo đó, thực phẩm biến đổi gene bao gói sẵn có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gene lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng đều phải ghi nhãn khi lưu thông tại thị trường Việt Nam.
Kể từ khi thông tư này có hiệu lực, những thực phẩm biến đổi gene đang lưu thông trên thị trường sẽ buộc phải ghi nhãn theo quy định. Các thực phẩm biến đổi gene không ghi nhãn theo quy định sẽ không được tiếp tục sản xuất và nhập khẩu sau 8/1.
Tuy nhiên, quy định trên đây chỉ áp dụng đối với những mặt hàng đóng gói sẵn. Các thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến nhưng không bao gói không phải tuân thủ các quy định này.
Loại thực phẩm phổ biến nhất được kể đến đó chính là ngô và đậu nành biến đổi gene.
Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, hiện tại, vẫn chưa có chứng cứ khoa học nào khẳng định sử dụng thực phẩm biến đổi gene có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong khi thực phẩm biến đổi gene vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, việc dán nhãn để người tiêu dùng biết là rất cần thiết. Đây cũng là quy định được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Tại Việt Nam, dù chỉ mới công nhận 4 giống ngô biến đổi gene (chưa tiến hành trồng đại trà), song việc nhập khẩu thực phẩm biến đổi gene (đậu tương, ngô,... ) là thực tế từ khoảng 10 năm gần đây. Do đó, việc quy định ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gene sẽ góp phần minh bạch thông tin để người tiêu dùng có thể lựa chọn.
Trên thế giới đang có rất nhiều luồng dư luận khác nhau về việc GMO có hại cho sức khỏe con người hay không sau khi có những thí nghiệm trên chuột khi cho ăn ngô biến đổi gen khi được phun thuốc diệt cỏ glyphosate đã thúc đẩy sự hình thành các khối u ung thư ở chuột.
Mặc dù đến nay vẫn chưa có một khẳng định chắc chắn nào về tác hại của việc sử dụng các loại thực phẩm biến đổi gene nhưng rõ ràng, các luồng thông tin, dư luận khác nhau đã khiến người tiêu dùng Việt Nam hoang mang trước ma trận thực phẩm biến đổi gen.