Tiềm lực vũ trụ của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ?

Chỉ sau 3 năm nữa, các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ có đủ khả năng tiêu diệt hệ thống vệ tinh của Mỹ trong trường hợp xẩy ra xung đột quân sự giữa hai nước. Đó là nhận định của Đô đốc Michael Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.

Kết luận này được rút ra trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng những kết quả thử nghiệm mà giới quân sự Trung Quốc tiến hành vào tháng 1 năm 2007. Khi ấy, nhờ một loại tên lửa đạn đạo đặc biệt phóng lên từ mặt đất, Trung Quốc đã bắn hạ một vệ tinh khí tượng của mình sắp hết thời hạn phục vụ trên quỹ đạo.

Cũng theo lời Đô đốc Michael Mullen, vụ thử nghiệm nói trên đặt ra rất nhiều câu hỏi mà cho tới nay vẫn không được giải đáp và bởi vậy “Mỹ không thể không quan tâm đến mục đích đã khiến Bắc Kinh tích cực đầu tư vào việc phát triển các loại vũ khí công nghệ cao”.

(Ảnh minh họa: TP)
Mối lo ngại của Mỹ trước tiềm lực vũ trụ lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc càng tăng thêm vào ngày 23 tháng 10 vừa qua, khi Trung Quốc tiến thêm một bước quan trọng nữa trong việc thực hiện chương trình vũ trụ đầy tham vọng của mình.

Vào hôm đó, Trung Quốc phóng thành công vệ tinh “Hằng Nga – 1” - vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc bay quanh Mặt Trăng. Thoạt nhìn, sứ mệnh của “Hằng Nga – 1” mang tính chất thuần túy khoa học: Chụp ảnh 3 chiều bề mặt Mặt Trăng và nghiên cứu cường độ điện - từ của vệ tinh này.

Nhưng trong thực tế, việc phóng “Hằng Nga – 1” có ý nghĩa lớn lao không chỉ đối với giới khoa học và chính trị Trung Quốc (báo chí Trung Quốc thậm chí còn đề cập đến khả năng thành lập một chi bộ Đảng trên vũ trụ và “thuộc địa hóa” Mặt Trăng). Sự kiện gây chấn động này còn giành được sự quan tâm đặc biệt của giới quân sự Trung Quốc.

Theo nhận định của Mỹ, giới quân sự Trung Quốc muốn thông qua việc điều khiển quá trình bay của “Hằng Nga – 1” để hoàn thiện những phương pháp tiến hành cuộc chiến tranh vũ trụ.

Không phải vô cớ để điều khiển “Hằng Nga – 1” trong giai đoạn bay đầu tiên, Trung Quốc không chỉ huy động các con tầu liên lạc trên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương mà còn huy động cả một chiếc tầu ngầm nguyên tử của Hải quân Trung Quốc. Nhiệm vụ của chiếc tầu này khá “tế nhị”: vào một giai đoạn nhất định, nó phát tín hiệu và tạm thời đảm nhiệm việc điều khiển chuyến bay của “Hằng Nga – 1”.

Kết quả cuộc thử nghiệm đó ra sao hiện chưa được công bố nhưng nếu thành công thì giới quân sự Trung Quốc trong tương lai gần sẽ có thể đạt được tiến bộ đáng kể trong việc hoàn thiện công nghệ điều khiển và chi phối các đối tượng trong vũ trụ.

Triển vọng này khiến Mỹ hết sức lo ngại. Nếu hoàn thiện được công nghệ này thì trong tương lai Trung Quốc có thể phóng lên các quỹ đạo khác nhau trong vũ trụ những vệ tinh chỉ thuần tuý mang thuốc nổ.

Nếu chẳng may xảy ra xung đột với một cường quốc vũ trụ nào đó, nhờ tín hiệu phát đi từ mặt đất hoặc từ lòng đại dương, những “vệ tinh đánh chặn” này sẽ phát hiện và tiêu diệt các đối tượng vũ trụ của kẻ địch. Rất có thể, đây sẽ là cuộc “chiến tranh giữa các vì sao” theo kiểu độc đáo của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích khách quan, trọng tâm của cuộc thử nghiệm nói trên không phải là mặt quân sự mà là mặt kinh tế. Người Trung Quốc không thể không hiểu tầm quan trọng của việc chinh phục Mặt Trăng mà nếu đi đầu thì có thể đem lại những lợi ích kinh tế to lớn.

Xét theo tốc độ phát triển những chương trình vũ trụ của Trung Quốc thì có thể khẳng định Trung Quốc chẳng bao lâu nữa sẽ đuổi kịp Nga và Mỹ - 2 cường quốc lâu nay vẫn được thừa nhận là dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Vũ Việt

Theo Komsomolskaia - Pravda, Tiền phong
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video