19h ngày 16/10 (7h sáng ngày 17/10 theo giờ Việt Nam) lễ trao giải Lương thực thế giới năm 2014 đã diễn ra tại Tòa nhà Capitol, thành phố Des Moines, bang Iowa - Hoa Kỳ.
>>> Trao giải thưởng lương thực thế giới
Dự lễ trao giải có khoảng 800 người tham dự đến từ 60 quốc gia trên thế giới.
Giải Lương thực thế giới năm nay được trao cho Tiến sỹ Sanjaya Rajaram do ông đã có công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng và đã đem lại kết quả cụ thể là làm gia tăng khoảng 200 triệu tấn sản lượng lúa mỳ trên thế giới. Để tạo được kỳ tích đó, tiến sĩ Rajaram đã nghiên cứu và lai tạo, phát triển thành công 480 giống lúa mỳ đang được nông dân tại 51 quốc gia trên 6 châu lục toàn cầu canh tác hàng ngày.
Tiến sỹ Sanjaya Rajaram, sinh ra ở Ấn Độ và hiện là công dân Mexico. Ông là một nhà thực vật học xuất sắc với nhiều công trình nhân giống và nghiên cứu khoa học đột phá và nổi bật. Những đóng góp của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng và có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm bổ dưỡng hơn trên toàn cầu và góp phần giảm thiểu đói nghèo trên thế giới.
TS. Rajaram (giữa) nhận giải Lương thực Thế giới năm 2014
Phát biểu tại lễ trao giải, TS. Rajaram nói: "Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi nhận giải thưởng lương thực thế giới 2014. Và giải thưởng này không chỉ tôi mà còn là dành cho hàng trăm và hàng ngàn nhà nghiên cứu lúa mì và nông dân trên toàn thế giới. Tôi tin rằng những thách thức của nông nghiệp thế kỷ 21 và sản xuất lương thực đã được cải thiện rất nhiều so với quá khứ và có thể giải quyết được nếu chúng ta truyền đạt kiến thức mới và cung cấp các hệ thống sản xuất nông nghiệp tiên tiến đến với người nông dân theo hướng bền vững”.
TS. Rajaram cũng cho rằng việc sản xuất nông nghiệp trong tương lai sẽ gần như chắc chắn bị thuyên giảm về sản lượng và chất lượng nếu chúng ta không tính đến và giải quyết các yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu, độ màu mỡ của đất canh tác, tình trạng thiếu nước, và ứng dụng công nghệ gene tiên tiến trong vòng 20-30 năm tới.
Giải thưởng Lương thực Thế giới được khởi xướng và thành lập từ năm 1986 bởi Tiến sỹ Norman Borlaug và được trao cho các tổ chức cá nhân hàng năm. Tiến sĩ Noman Borlaug cũng là người từng đoạt giải Nobel hòa bình năm 1970 vì là cha đẻ của cuộc Cách mạng Xanh trong nông nghiệp.
Giải Lương thực Thế giới là giải thưởng quốc tế được công nhận là một trong các giải thưởng danh giá nhất của ngành nông nghiệp. Không phân biệt dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, hoặc quan điểm chính trị, giải thưởng được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những cá nhân có những đóng góp và thành tựu nổi bật đối với tiến trình phát triển của con người bằng việc việc cải thiện và nâng cao sản lượng, chất lượng và tính khả dụng của nguồn thực phẩm nuôi sống cả thế giới.
Một số người đã đoạt Giải Lương thực Thế giới đến từ các quốc gai như: Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Cuba, Đan Mạch, Ethiopia, Ấn Độ, Mexico, Sierra Leone, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh, Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ.