Các nhà khoa học lo ngại một tiểu hành tinh có kích thước lớn như tượng Nữ thần Tự do của Mỹ có thể gây nguy hiểm cho Trái Đất vào năm 2017.
Trái đất có thể va chạm với một tiểu hành tinh
Các nhà thiên văn học ước tính tiểu hành tinh 2012 TC4 có chiều rộng khoảng 40 m, nhỏ hơn khoảng 6 m so với chiều cao của tượng Nữ thần Tự do tại Mỹ. Đây là kích thước lớn gấp đôi thiên thạch từng phát nổ trên bầu trời Nga hồi tháng 2/2013, khiến 1.500 người bị thương và phá hủy hơn 7.000 ngôi nhà.
Mô phỏng một tiểu hành tinh tiến về phía Trái Đất. (Ảnh: NASA)
Nó được dự đoán sẽ tiến gần Trái Đất ngày 12/10/2017 và có thể gây thảm họa lớn, tuy nhiên giới nghiên cứu chưa thể xác định chính xác vị trí va chạm.
"Đây là điều gì đó mà chúng tôi sẽ để mắt đến. Chúng tôi có thể hình dung một vụ phát nổ lớn trên không, tùy thuộc vào nơi nó lướt qua", tiến sĩ Judit Györgyey-Ries, nhà thiên văn học tại Đài quan sát McDonald thuộc Đại học Texas, Mỹ, nói.
Trong khi đó Detlef Koschny, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu vật thể gần Trái Đất của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) nhận định xác suất xảy ra va chạm là một phần triệu. Bộ phận quan sát tiểu hành tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho rằng tiểu hành tinh sẽ không có khả năng đâm vào Trái Đất.
Một đài quan sát tại Hawaii phát hiện 2012 TC4 ngày 4/10/2012. Một tuần sau đó, tiểu hành tinh suýt va chạm với Trái Đất khi di chuyển ở khoảng cách gần 95.000 km.