Tiểu hành tinh lao tới gần Trái đất ngày trăng tròn

Các nhà khoa học dự đoán tiểu hành tinh 1996 VB3 sẽ bay qua sát Trái đất với vận tốc 54.000km/h.

1996 VB3, tiểu hành tinh đường kính khoảng 220m, sẽ tiếp cận Trái đất ngày 20/10, cùng ngày diễn ra hiện tượng trăng tròn, Newsweek hôm 18/10 đưa tin. Khoảng cách gần nhất giữa thiên thể này và Trái đất là 3,2 triệu km, gấp gần 9 lần khoảng cách giữa Trái đất - Mặt trăng.


Minh họa tiểu hành tinh di chuyển gần Trái đất. (Ảnh: Stephane Masclaux)

1996 VB3 sẽ di chuyển với vận tốc 54.000km/h khi bay qua hành tinh xanh, nhanh gấp khoảng 20 lần tiêm kích và gấp 17 lần đạn bắn ra từ súng trường.

Đây không phải tiểu hành tinh duy nhất tiếp cận Trái đất trong những ngày tới. Theo Trung tâm Vật thể gần Trái đất thuộc NASA, tiểu hành tinh 2017 SJ20 sẽ tới cách Trái đất 8 triệu km vào ngày 25/10. Nó có đường kính nhỏ hơn 1996 VB3 một chút, chỉ khoảng 200 m. Đến ngày 2/11, một tiểu hành tinh 2017 TS3 với kích thước tương đương 1996 VB3 cũng sẽ "ghé thăm" Trái đất. Tuy nhiên, nó di chuyển chậm hơn nhiều, khoảng 3.600 km/h.

Đường kính của các tiểu hành tinh chỉ là tạm ước tính, nghĩa là một số tiểu hành tinh có thể chỉ nhỏ bằng một nửa. Các nhà khoa học tính toán kích thước của chúng dựa vào suất phản chiếu. Đó là ánh sáng khả kiến từ Mặt Trời phản chiếu từ bề mặt của một tiểu hành tinh. Phương pháp này đôi khi có thể đo sai kích thước vì phụ thuộc nhiều vào độ phản chiếu của bề mặt tiểu hành tinh.

Suất phản chiếu của tiểu hành tinh không chỉ phụ thuộc vào kích thước mà còn thành phần cấu tạo và độ đặc. Nó cũng có thể cung cấp manh mối về màu sắc. Ví dụ, một tiểu hành tinh "phấn trắng" với mật độ vật chất trên bề mặt thưa thớt có thể trông lớn hơn thực tế. Mặt khác, tiểu hành tinh với bề mặt giống than củi sẽ phản xạ ít ánh sáng hơn, khiến kích thước ước tính nhỏ hơn.

Điều này khiến các nhà khoa học đề xuất một phương án mới để tính toán kích thước. Sử dụng ánh sáng hồng ngoại, họ có thể phát hiện nhiệt tỏa ra từ một tiểu hành tinh. Đây có thể là dấu hiệu biểu thị kích thước tốt hơn so với ánh sáng khả kiến. Vật thể lớn trông sẽ sáng hơn trong ánh sáng hồng ngoại, cách đo đạc này cũng không bị ảnh hưởng bởi suất phản chiếu. Việc kết hợp cả hai phương pháp có thể giúp tính kích thước tiểu hành tinh chính xác nhất.

Cập nhật: 20/10/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video