Tiểu hành tinh quay nhanh kỷ lục đâm xuống Trái Đất

2024 BX1, tiểu hành tinh lao xuống Trái đất hôm 21/1, quay nhanh hơn bất cứ vật thể gần Trái đất nào từng ghi nhận.


(Video: X/Denis Vida).

Tiểu hành tinh 2024 BX1 biến thành quả cầu lửa và phát nổ trên bầu trời Berlin, Đức, hôm 21/1. Dù các tiểu hành tinh nhỏ va chạm với Trái đất thường chỉ được phát hiện khi chúng tiến vào khí quyển, nhưng các nhà khoa học đã phát hiện tiểu hành tinh này khoảng ba giờ trước khi xảy ra va chạm.

Đây không phải điều duy nhất khiến 2024 BX1 trở nên đặc biệt. Theo nghiên cứu mới xuất bản trên cơ sở dữ liệu arXiv, nó di chuyển với tốc độ 50.000 km/h và cứ 2,588 giây lại quay một lần. Đây là tốc độ quay nhanh chưa từng thấy ở một tiểu hành tinh gần Trái đất, Live Science hôm 2/5 đưa tin.

Trước đó, kỷ lục này thuộc về 2020 HS7, cứ 2,99 giây lại quay một vòng. Tiểu hành tinh này có đường kính 4 - 8 m, lớn hơn một chút so với 2024 BX1. Đây có thể là lý do khiến nó quay chậm hơn 2024 BX1.


Tiểu hành tinh lao xuống miền đông nước Đức hôm 21/1.

Có nhiều lý do khiến các tiểu hành tinh quay, ví dụ như bị đẩy trở lại không gian sau một vụ va chạm. Vì nhỏ gọn hơn, các tiểu hành tinh nhỏ có xu hướng quay nhanh hơn tiểu hành tinh lớn. "Chúng có sức mạnh nội sinh nên có thể quay nhanh hơn", tác giả chính Maxime Devogèle, nhà vật lý tại Đại học Central Florida, cho biết.

Devogèle cùng đồng nghiệp nghiên cứu tốc độ quay của 3 tiểu hành tinh, trong đó có 2024 BX1, với hình ảnh chụp được khi chúng tới gần Trái đất. Hai tiểu hành tinh còn lại, 2023 CX1 và 2024 EF, được nghiên cứu dựa trên những chuyến tiếp cận Trái đất ngày 13/2/2023 và 4/3/2024.

Nhóm chuyên gia phát triển kỹ thuật mới để xác định tốc độ quay chóng mặt của các tiểu hành tinh dựa vào hình ảnh. Phương pháp này bao gồm việc điều chỉnh kích thước khẩu độ - lỗ mà ánh sáng đi qua để tiến vào camera - sao cho cảnh nền đầy sao trông sắc nét và tiểu hành tinh lao qua trông giống một vệt sáng.

Nhờ thời gian phơi sáng dài, hình ảnh thu được cho thấy tiểu hành tinh 2024 BX1 đang lao qua nền trời đầy sao. Những thay đổi về độ sáng dọc theo đường bay thể hiện những lần tiểu hành tinh này quay và cho thấy nó có hình dạng thuôn dài. Nhóm nghiên cứu đo khoảng cách giữa các điểm sáng này và kết luận, thời gian quay của tiểu hành tinh là 2,588 giây, tương ứng 33.000 lần quay mỗi ngày.

Việc nắm được tốc độ quay của các tiểu hành tinh bay gần Trái đất sẽ giúp giảm thiểu rủi ro mà chúng có thể gây ra cho con người và cơ sở hạ tầng.

Cập nhật: 03/05/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video