Một loại sóng âm mới vừa được phát triển thành công lần đầu tiên trong 50 năm đã cách mạng hóa việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh.
Được tạo ra bởi các chuyên gia âm thanh đến từ Đại học RMIT tại Melbourne, Úc, những sóng âm này – được biết với cái tên "sóng khối phản xạ bề mặt" – đủ nhẹ nhàng để có thể thao tác trên tế bào gốc mà không gây ra tổn hại, điều mà trước đó là bất khả thi với các loại sóng âm.
Các nhà nghiên cứu cũng đã sử dụng công nghệ này để cải thiện một cách đáng kể hiệu năng của một thiết bị xông tân tiến phát triển bởi RMIT, thiết bị giúp đưa thuốc trực tiếp vào phổi.
"Chúng tôi sử dụng loại sóng âm này để cắt ngắn thời gian cần thiết để hít vắc xin qua máy xông, từ 30 phút xuống chỉ cần có 30 giây", trích lời đồng sáng lập nghiên cứu này Tiến sĩ Amgad Rezk, từ Phòng nghiên cứu Micro/Nano tại RMIT.
"Không những thế, nghiên cứu của chúng tôi còn mở ra tiềm năng trong việc sử dụng tế bào gốc hiệu quả hơn khi điều trị những bệnh về phổi, khiến cho chúng tôi có thể xông thẳng tế bào gốc vào một vị trí nhất định trong phổi để điều trị những mô bị hư hỏng. Đây thực sự là thứ thay đổi cục diện của việc điều trị phổi bằng tế bào gốc".
Tiến sĩ Amgad Rezk.
Sóng khối phản xạ bề mặt là loại sóng tổng hợp của hai loại sóng khối và sóng mặt.
Sóng khối khiến cho toàn bộ vật chất ảnh hưởng rung toàn bộ, một hiệu ứng giống như bạn cầm một đầu của chiếc khăn và rung lắc nó. Ngược lại, sóng mặt chỉ làm rung bề mặt của vật chất bị ảnh hưởng, giống như những cơn sóng biển vậy.
Bằng cách kết hợp hai loại sóng, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại sóng âm với năng lực hơn hẳn hai loại sóng riêng biệt trên.
"Việc kết hợp giữa sóng khối và sóng mặt nghĩa là chúng hoạt động theo một nhịp điệu nhất định và sản sinh ra nhiều sóng mạnh mẽ hơn", trích lời Rezk.
"Chính vì thế, thay vì việc phải căn đo và xông thuốc với liều lượng khoảng 0.2ml mỗi phút, giờ chúng tôi có thể dùng tới 5ml mỗi phút. Đó là sự khác biệt rất lớn".
Giáo sư Leslie Yeo, RMIT, chạy thử máy xông Respite, vốn được nâng cấp bởi chính nghiên cứu này.
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một thiết bị để đưa sóng khối phản xạ mặt vào các thiết bị y tế với một cái tên rất kêu HYDRA.
Thiết bị này truyền dòng điện qua một con chip áp điện, chuyển chúng thành những rung động cơ học, hay sóng âm, biến dung dịch thành dạng sương để có thể hít vào được.
"Có thể nói là nó như "hét" vào dung dịch thuốc khiên cho chúng rung động, phá vỡ kết cấu khiến chúng thành dạng sương", Rezk giải thích.
HYDRA đã được sử dụng để nâng cấp máy xung của RMIT, với cái tên Respite, với khả năng đưa một lượng thuốc cực kỳ phong phú vào cơ thể mà không cần đến uống hay tiêm.
Với những bệnh nhân bị hen suyễn hay xơ nang, thiết bị này có thể đưa vào một lượng thuốc liều cao cực chính xác, và nó cũng có thể được dùng trong việc cung cấp insulin cho bệnh nhân tiểu đường, và nạp vắc xin cho trẻ em mà không cần tiêm.