Khi các nhà khoa học phát hiện ra nhiều lỗ bí ẩn ở đáy Biển Bering giữa Nga và Alaska (Mỹ) vào mùa Hè năm ngoái, họ đã bối rối. Tuy nhiên, đến nay họ cho rằng đã tìm ra được thủ phạm tạo những lỗ này.
Tờ Guardian (Anh) đưa tin các nhà khoa học trên tàu nghiên cứu Sonne (Đức) đã tham gia một cuộc thám hiểm tại Biển Bering năm 2022. Họ đã chụp nhiều bức ảnh về đáy biển. Trong một số bức ảnh có hình ảnh về các lỗ hình bầu dục rộng khoảng 2-3cm.
Các nhà khoa học đã tìm ra lời giải cho những chiếc hố bí ẩn. (Ảnh: Guardian).
Có nhiều động vật sống ở quanh nơi các nhà khoa học phát hiện những chiếc lỗ bí ẩn và chúng đã trở thành “nghi phạm chính”.
Bà Julia Sigwart tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên và Viện nghiên cứu Senckenberg ở Frankfurt (Đức) nhận định những chiếc lỗ quá nhỏ so với nhím biển và hình dạng của chúng cũng không giống với hang của giun biển.
Và một thành viên trong nhóm các nhà khoa học, bà Angelika Brandt cũng tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên và Viện nghiên cứu Senckenberg đã nhận thấy điều đặc biệt, đó là một loài động vật giáp xác.
Bà Brandt đã lấy một video được quay trước đó 40 năm bởi một đồng nghiệp để làm minh chứng. Đó là động vật giáp chân hai loại (amphipod) tại Nam Cực. Đoạn video cho thấy cảnh chúng đào hang. Loài amphipod vùng Nam Cực này rất giống với con vật Brandt đã phát hiện tại Biển Bering.
Tuy chưa bắt gặp trực tiếp cảnh amphipod Biển Bering đào hố nhưng Brandt cùng các đồng nghiệp cho rằng chúng có cũng giống như “họ hàng” tại Nam Cực, đào hố để sinh sản. Ấu trùng sau khi sinh ra sẽ sống trong các hố mà bố mẹ chúng đào trong nhiều tuần thậm chí nhiều tháng.
Phát hiện này đem đến hy vọng cho các nhà khoa học với mong đợi có thể đạt tiến triển trong giải mã các bí ẩn khác dưới đáy biển.