Tin được không: Một startup đang sản xuất protein từ không khí và điện

Thực phẩm làm từ... vi khuẩn và không khí

Solar Food, một công ty khởi nghiệp Phần Lan, có kế hoạch sản xuất protein ăn được từ không khí và điện. Công ty này tuyên bố đang hợp tác với Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA để sản xuất và cung cấp thực phẩm cho các chuyến bay vào vũ trụ trong tương lai. Solar Food trước đây đã nhận được 2 triệu euro tiền tài trợ và dự định bắt đầu thương mại hóa sản phẩm vào năm 2021.


Bột protein.

Quy trình sản xuất của Solar Foods có nguồn gốc từ nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật VTT Phần Lan và Đại học Công nghệ Lappeenranta (LUT). Các thành phần chính trong quá trình sản xuất của startup Phần Lan này bao gồm không khí và điện.

Quy trình sản xuất bắt đầu bằng việc tạo ra hydro từ điện phân nước. Sau đó, công ty kết hợp hydro với carbon dioxide và một số khoáng chất để nuôi vi khuẩn tạo ra protein. Cuối cùng các vi khuẩn này được xử lý nhiệt để tạo ra bột protein.

"Mục tiêu của chúng tôi là phát triển protein thành một sản phẩm chất lượng cao. Sản phẩm sẽ có tác động đến môi trường nhỏ hơn từ 10 đến 100 lần so với các sản phẩm thịt hoặc sản phẩm thay thế hiện có trên thị trường", Pasi Vainikk, Giám đốc điều hành của Solar Food, cho biết.

Protein ăn được từ Solar Foods là thuần chay và không phụ thuộc vào động vật hay thực vật trong quá trình sản xuất. Sự tách biệt khỏi nông nghiệp truyền thống này không chỉ có khả năng thay đổi những gì bạn ăn trong tương lai, mà còn có khả năng thay đổi những gì con người có thể ăn trong các chuyến bay vào vũ trụ.


Pasi Vainikk - Giám đốc điều hành của Solar Food.

Bể phản ứng sinh học nhỏ của startup này được làm từ thép có thể trở thành phiên bản đầu tiên của máy sao chép phổ biến được thấy trên Star Trek. Tương tự như máy sao chép - loại máy có khả năng tạo ra thực phẩm mà không cần nhiều nguyên liệu, lò phản ứng sinh học của Solar Food tạo ra các protein ăn được, có thể nuôi sống phi hành đoàn hoặc thực dân trên Sao Hỏa.

"Điều kiện môi trường trên sao Hỏa rất khác so với Trái Đất, nhưng nó vẫn có ánh nắng mặt trời và một lượng lớn carbon dioxide trong bầu khí quyển. Công nghệ tiên phong này của Solar Foods cho phép sản xuất thực phẩm mới ngay cả trong không gian kín. Vì vậy, chúng tôi cho rằng công nghệ mới này có thể sử dụng các thành phần sẵn có tại Sao Hỏa", Kimmo Isbjornssund, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp ESA Phần Lan, chia sẻ.

Solar Foods cho biết họ đã thu hút được 5,5 triệu euro (6,1 triệu USD) tiền đầu tư vào dự án Solein. Họ dự đoán vào cuối thập kỷ này, hoặc thậm chí chỉ cần đến năm 2025, chi phí sản xuất bột Solein sẽ tương đương với chi phí sản xuất bột protein từ đậu nành.

Việc có thể có giá cả cạnh tranh với protein từ đậu nành, theo Solar Foods, phụ thuộc vào giá điện. Nhóm nghiên cứu của công ty Phần Lan này cho biết nếu có thể sử dụng điện từ các nguồn như năng lượng mặt trời và gió thì họ có thể sản xuất bột Solein với lượng khí thải nhà kính gần như bằng 0.

Nếu điều đó trở thành hiện thực thì có thể giúp thế giới giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến nông nghiệp.


Ông Pasi Vainikka cầm ống nghiệm chứa bột protein sản xuất từ vi khuẩn - (Ảnh: BBC).

Đài BBC cho biết bột Solein không có vị gì nhưng là một dạng thực phẩm trông giống bột mì, giàu đạm, chứa chất béo và carbohyrates. Công ty Solar mong muốn dùng nó cho tất cả các loại thực phẩm, từ bánh nướng, bánh quy, kem, mì ống, mì gói cho đến các loại sốt hay bánh mì.

Ngoài ra, bột Solein cũng có thể dùng như một chất trung gian để nuôi cấy thịt trong ống nghiệm hoặc làm thức ăn cho gia súc. Thậm chí, nếu theo đúng kế hoạch do công ty Solar đề ra, bột Solein còn có thể giúp đáp ứng nhu cầu thịt trên toàn cầu trong nhiều năm tới.

Nhà máy đầu tiên sản xuất bột Solein sẽ ra mắt vào năm 2025.

Đây không phải là startup duy nhất quan tâm đến việc tạo ra protein mà không có động vật hoặc thực vật. Mới đây, Perfect Day - startup có trụ sở tại thung lũng Silicon (Mỹ), cũng đi theo xu hướng này khi giới thiệu sản phẩm sữa bò nhân tạo mà không cần nuôi bò. Sữa được làm từ nước, axít béo và protein tổng hợp từ men vi sinh đặc chủng, chất lượng và hương vị tương tự sữa bò tự nhiên.


Ryan Pandya (trái) và Perumal Gandhi (phải) - hai nhà sáng lập của Perfect Day.

Bằng cách tạo ra sữa bò nhân tạo, startup kỳ vọng giảm chi phí cho ngành chăn nuôi bò sữa vốn tiêu tốn nhiều nguồn lực cho các trang trại trồng cỏ, nhân công... Ngoài ra, sữa nhân tạo còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi không có các loại vi khuẩn thường thấy trong sữa tự nhiên như khuẩn E. Coli, Salmonella...

Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao là thách thức chung của doanh nghiệp theo đuổi công nghệ thực phẩm nhân tạo. Mặt khác, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn đối mặt với những chỉ trích về nguy cơ gây thất nghiệp trong ngành chăn nuôi. Một số chuyên gia còn đặt nghi vấn về khả năng tổng hợp hoàn toàn các loại protein không thể thay thế có trong thịt, sữa...

Cập nhật: 11/01/2020 Theo khampha/tuoitre
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video